"Suốt những năm qua, hễ đọc được thông tin cô bé nào nào tìm cha mẹ, chúng tôi cũng dấy lên hy vọng nhưng bao nhiêu lần liên hệ là bấy nhiêu lần được nghe câu: Cháu xin lỗi nhưng cháu không phải con hai bác", ông Lê Khắc Giầu, ở số 17 đường Lý Nhân Tông, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa nói.
Bà Lê Thị Thịnh (58 tuổi), vợ ông, nhớ lại buổi chiều hè định mệnh năm 1998. Hôm đó, người bác dâu đến chơi nên bà để hai con gái Lê Như Quỳnh (sinh năm 1990) và Lê Thanh Trang (32 tháng tuổi) ngồi xem phim Tây du ký ở nhà trên với khách còn mình ra sau nhà nấu cơm. Khoảng 45 phút sau, bà gọi Quỳnh đưa em đi tắm thì không thấy. Bác gái và Quỳnh mải xem phim, không biết Trang đi chơi từ lúc nào.
Bà Thịnh chạy khắp phố hỏi mà không thấy con đâu. Vừa khóc vừa tìm con, đến tối mịt hai mắt người mẹ sưng đỏ, rồi ngất xỉu.

Bà Thịnh và con gái Lê Thanh Trang lúc 9 tháng tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Hôm đó, ông Lê Khắc Giầu, một cán bộ của Sở Công Thương, đang trên tàu từ miền Nam về. Tàu đến ga Thanh Hóa lúc 5h sáng, ông được thông báo tin dữ. "Tôi quá sốc, hành lý vứt luôn ở đó, cứ thế chạy bộ về nhà", ông Giầu, 68 tuổi, nhớ lại.
Gia đình huy động thêm người tỏa khắp đi ngóc ngách trong thành phố và các xã xung quanh tìm kiếm. Họ cũng báo công an để vào cuộc mà càng tìm càng không thấy.
Gia đình cũng tổ chức cả trăm chuyến đi tìm khắp các tỉnh lân cận. Thông tin cô bé Lê Thanh Trang, thất lạc ngày 15/7/1998, được đăng lên nhiều báo, truyền hình, đài phát thanh thời đó. "Chúng tôi đã nhờ vả cả những người tài xế taxi, xe ôm, những người có quan hệ trong xã hội, thậm chí nhờ cả những phương pháp tâm linh và đã đi qua không biết bao nhiêu nơi", ông Giầu cho hay.
Để tìm con, mọi thông tin tên tuổi, số điện thoại của hai ông bà, địa chỉ nhà hoàn toàn công khai trên các kênh truyền thông, trang web và mạng xã hội. Cũng vì thế không ít lần họ bị lừa.
Ông Giầu kể, khoảng năm 2010 trong miền Nam có người gọi điện báo tin đang nuôi Trang nhưng nay họ bị bệnh nan y không sống được bao lâu nữa nên sẵn sàng trả cô bé lại cho gia đình, muốn làm xét nghiệm ADN cũng được. Vợ chồng ông Giầu muốn được nói chuyện với cô bé và xem ảnh nhưng họ không cho, cứ yêu cầu chuyển tiền. "Toàn các dấu hiệu cho thấy người ta không thật lòng, nhưng một dù chỉ 1% cơ hội chúng tôi vẫn bấu víu. Ngay sau đó chúng tôi bay vào", ông Giầu kể.
Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hai bên đã thống nhất địa điểm gặp mặt, song bên kia vẫn yêu cầu chuyển tiền. Cò cưa mãi họ vẫn không chịu tiếp xúc, cuối cùng tắt máy không nghe. Vợ chồng ông Giầu đành phải quay về.
Lại có lần một người tự xưng là "nhà báo tác nghiệp bên Campuchia", thấy một bé giống Thanh Trang. Nói chuyện một hồi, người này cũng yêu cầu chuyển tiền. Rất nhiều gia đình tìm người thân đã bị đối tượng này lừa đảo, trục lợi, mà sau đó một chương trình truyền hình đã lên tiếng cảnh báo.

Thanh Trang lúc 22 tháng tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Từ sau ngày đó, cuộc sống gia đình tan tác. Tiền trong nhà có bao nhiêu cũng theo những chuyến đi tìm con mà ra đi hết. Cửa hàng tạp hóa của ông bà cũng phải đóng cửa. Vào lúc khó khăn nhất, trong nhà chỉ còn chiếc TV ông Giầu, bà Thịnh cũng bán nốt lấy tiền đi tìm con.
Mất con, bà Thịnh như người sống dở chết dở. Bà kể, suốt một năm đầu không thể làm nổi việc gì, cứ đêm là khóc gọi tên con. Ông Giàu biết vợ bị khủng hoảng tâm lý, rất dễ cáu giận nên luôn phải tế nhị, nín nhịn. Năm 2018, con gái thứ ba thi đại học, ông Giầu khuyên nộp hồ sơ vào một trường ở miền Nam để mẹ theo vào đó thay đổi môi trường. Song ở chốn mới, bà Thịnh càng u uất, nằm viện triền miên.
"Nỗi buồn đau đeo đẳng, muốn cười, muốn ăn cũng không làm được cái gì trọn vẹn", bà nói.

Ông Giầu, bà Thịnh ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa 25 năm mong ngóng tìm con. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đợt này gia đình một lần nữa đăng tin lên các mạng xã hội nhờ cộng đồng trong và ngoài nước giúp đỡ. Mỗi ngày, ông Giầu, bà Thịnh bận bịu tiếp chuyện của những người báo tin từ sáng tới khuya. Hiện họ đang xác minh một số trường hợp, song vẫn mong cộng đồng ai biết nơi đâu có trường hợp khả nghi, các cô gái tuổi từ 26 đến 30 biết mình là con nuôi và các gia đình đang nuôi con tầm tuổi này hãy thông báo, kết nối.
Theo ông bà dự đoán, Trang sẽ có chiều cao khoảng 1m55-1m6, da trắng và một nốt ruồi rất bé ở giữa quai hàm bên phải. Vì lạc nhà khi tuổi còn quá nhỏ, nên có lẽ đến nay các ký ức về gia đình đã không còn. Song cặp vợ chồng vẫn mong nhắc lại một số kỷ niệm có thể gợi ấn tượng nào đó trong con.
Bà Thịnh kể, hồi đó mới 2,5 tuổi, không ai dạy mà Trang đã biết đọc tên các nhãn hàng mẹ bán. Nhà bán xăng, chỉ cần thấy người dắt xe gần tới cô bé đã cất tiếng gọi mẹ ra bán hàng. Đêm đêm mẹ dọn hàng, Trang lon ton dọn cùng để nhanh được mẹ ôm ngủ. Nhà ở cạnh rạp hát Lam Sơn, chị Quỳnh thường hay cõng Trang ra đó chơi.
Vào ngày định mệnh, ở cách nhà hơn một km có một sự kiện tôn giáo lớn, thu hút nhiều người trong và ngoài tỉnh đến. Gia đình từng nghĩ đến khả năng con chạy ra đường chơi bị lạc, nên có thể bị ai đó dẫn đi.
"Công sinh không bằng công dưỡng, chúng tôi chỉ mong con gặp lại cha mẹ, cội nguồn, chứ không có ý trách móc, kết tội. Được gặp lại con, đời này chúng tôi chỉ có mang ơn và trả ơn người đã nuôi con mình", ông Giầu nói.
Năm nay cũng là nhuận âm lịch như 25 năm trước. Dù biết sự trùng hợp này không thể xem như một căn cứ, cặp vợ chồng vẫn cứ hy vọng đó sẽ là tín hiệu họ sẽ tìm thấy con.
Phan Dương