Thứ ba, 20/8/2024, 08:00 (GMT+7)

2024, đánh dấu hành trình 25 năm FPT không ngừng nỗ lực mang tri thức Việt Nam ra toàn cầu, ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ: "Chúng tôi đã làm được những điều kỳ vĩ". Vượt qua cột mốc một tỷ đôla doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài, gia nhập nhóm doanh nghiệp tỷ đôla toàn cầu, FPT đang hướng tới những cột mốc lớn tiếp theo: thị trường tỷ đô, chuyên ngành tỷ đô, hợp đồng tỷ đô, khách hàng tỷ đô và lợi nhuận tỷ đô.

Năm 1998, trong buổi tổng kết 10 năm thành lập của tập đoàn FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình khá buồn lòng khi sau một thập kỷ, bộ phận làm phần mềm của công ty vẫn là một nhóm nhỏ với hơn 30 thành viên. "Tôi muốn trước mặt mình phải là 1.000 kỹ sư phần mềm và cùng nhau đem trí tuệ Việt ra thế giới", người đứng đầu tập đoàn chia sẻ với các cộng sự.

Ông Bình muốn học tập mô hình của Ấn Độ "để thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới, góp phần hưng thịnh quốc gia". Ngày 13/1/1999, ông Bình và cộng sự quyết định thành lập một đơn vị chuyên trách về xuất khẩu phần mềm để hiện thực hóa khát vọng này. FPT Software ra đời và chọn bước đi đầu tiên trên con đường toàn cầu hóa là Bangalore, Ấn Độ.

Lúc đó, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc FPT kiêm Tổng giám đốc FPT Software, có niềm tin rằng: "Ấn Độ là cái chợ phần mềm, và cứ ra chợ đứng thì kiểu gì cũng kiếm được người mua".

Còn nguyên Chủ tịch kiêm CEO FPT Software, hiện là Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam, cho rằng Ấn Độ là thị trường sôi động nhất với nhiều đại gia công nghệ, khách hàng tiềm năng.

Tiếp đà của "giấc mơ Ấn Độ", cuối năm 1999, công ty mở tiếp văn phòng tại Silicon Valley, Mỹ - nơi được mệnh danh là cái nôi công nghệ của thế giới.

Song Ấn Độ, Mỹ chỉ là "giấc mơ lãng mạn" của FPT trong giai đoạn đầu toàn cầu hóa. Không kiếm được việc, chi phí thuê lập trình viên người Ấn cộng với tiền mặt bằng trở thành gánh nặng, văn phòng tại Bangalore phải lặng lẽ đóng cửa sau hơn một năm hoạt động. Văn phòng tại Mỹ vấp phải khủng hoảng dot-com toàn cầu cũng buộc phải dừng hoạt động đầu năm 2002.

Nhớ về những bước chập chững dò đường, Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà nói: " Đó là những ngày xông thẳng vào 'cái rốn' của ngành công nghệ toàn cầu, lao vào những thị trường tiên tiến nhất". Điều này ngược hoàn toàn với tư duy thông thường: phải học, trang bị đủ rồi mới tấn công những "miếng bánh lớn". "Còn chúng tôi thì liều mình lao thẳng mà trong tay không hề có kiến thức, quy trình", bà Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Nam nói rằng ngày ấy, có những dự án nhận về mà các công nghệ khách hàng đề cập cả đội chưa từng nghe tên. Thế nhưng vẫn liều nhận, "vì lùi không thể sống".

"Đã khởi nghiệp thì không ai không mắc sai lầm. Vượt qua được khó khăn, đứng dậy sau thất bại thì văn hoá doanh nghiệp mới hình thành", ông Nam cho hay. Điều quan trọng với đội ngũ ngày ấy là tìm ra được một thế mạnh, dựa vào đó mà phát huy, mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. "Với chúng tôi, đó là sức trẻ sẵn sàng learn - unlearn - relearn (học hỏi - quên đi - học lại)", Nguyên Chủ tịch kiêm CEO FPT Software nói.

Thất bại ở Ấn Độ, Mỹ với khoản học phí không nhỏ, lãnh đạo công ty hiểu ra rằng chỉ "liều" thôi chưa đủ. FPT Software quay sang xây dựng quy trình và bộ phận quản lý chất lượng đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực quyết tâm đạt chuẩn quốc tế về phát triển phần mềm. Năm 2002, FPT Software nằm trong danh sách 120 công ty phần mềm trên toàn cầu đạt được chứng chỉ CMM level 4. Hiện công ty có hơn 20.000 kỹ sư sở hữu các chứng chỉ chiến lược gồm Partner, domain, Pro level: Cloud, AI, lowcode,... hay PMP, PMI-ACP, ISTQB, Scrum/Agile... được công nhận trên phạm vi toàn cầu.

Sau bài học rút ra từ Ấn Độ, Mỹ, lãnh đạo Tập đoàn quyết định FPT Software sẽ tiếp tục công cuộc toàn cầu hóa với hướng đi mới là thị trường Nhật Bản. "Cuộc gặp gỡ may mắn của số phận" là hồi tưởng của ông Trương Gia Bình về lần gặp mặt với lãnh đạo cấp cao tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, mở ra cơ hội cho công ty được đặt chân lên đất Nhật, viết tiếp giấc mơ vươn ra toàn cầu.

Chuyến đi Nhật diễn ra vào tháng 12/2000, nhờ sự dàn xếp của lãnh đạo tập đoàn Sumitomo, ông Bình và ông Nam đã gặp gỡ đại diện của rất nhiều công ty. Nhưng tâm lý từng thất bại ở các thị trường trước, cả hai ông không hy vọng nhiều. Vũ khí duy nhất trong chuyến đi này là bài diễn thuyết về "Digital Waterfall" (Thác số – Cầu vượt) của ông Bình. Ở đâu ông cũng say sưa trình bày bằng tiếng Anh. Dù đa phần khách hàng không hiểu, nhưng họ lại cảm nhận được nhiệt huyết trong ông. May mắn đã mỉm cười với FPT.

Thực tế, dự định ban đầu của các lãnh đạo FPT là đợi Mỹ, Ấn Độ và châu Âu thành công, công ty mới tiến sang Nhật Bản bởi đây là thị trường khó "nhằn", chưa kể cả công ty khi đó không ai biết tiếng Nhật.

Tháng 11/2005, Công ty TNHH FPT Software Nhật Bản (FPT Japan) được thành lập, đặt trụ sở tại Tokyo, có văn phòng đại diện tại Osaka. Hiện, FPT Japan là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có quy mô lớn nhất tại Nhật với 3.500 nhân sự làm việc trực tiếp tại 17 văn phòng và trung tâm phát triển ở Nhật Bản cùng đội ngũ gần 15.000 nhân sự trên toàn cầu hỗ trợ triển khai các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Công ty cung cấp dịch vụ và giải pháp toàn diện cho hơn 450 khách hàng trên thế giới, hỗ trợ chuyển đổi số thông qua các dịch vụ tư vấn chiến lược và các giải pháp công nghệ tiên tiến như AI, học máy và điện toán đám mây.

Tiếp nối thành công ở Nhật, FPT tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên quy mô toàn cầu với hệ thống văn phòng, chi nhánh tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời khẳng định vị thế Công ty công nghệ lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng trong Top 50 công ty dịch vụ công nghệ thông tin khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, những tập đoàn tên tuổi như Infosys, Tata Consultant, Wipro, Cognizant có quy mô doanh thu trên dưới chục tỷ USD. Để đạt được quy mô như những doanh nghiệp này, FPT phải có được những hợp đồng phần mềm quy mô vài chục đến vài trăm triệu USD. Năm 2016, FPT bắt đầu hành trình "săn cá voi" - những tập đoàn lớn, có quy mô doanh thu từ vài chục tỷ USD đến vài trăm tỷ USD mỗi năm, để có được những hợp đồng này.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nơi quy tụ những tập đoàn tỷ USD của thế giới là một trong những nơi hoàn hảo để khởi đầu cho hành trình "săn cá voi" của FPT. Với lợi thế là thành viên sáng lập của WEF từ năm 2011, lãnh đạo FPT và FPT Software đều đặn hàng năm tham dự diễn đàn này để kiến tạo cơ hội.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2017, FPT đã có hơn 50 cuộc họp song phương với những lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn công nghệ và kinh doanh trên toàn cầu. Sau sự kiện này, FPT đã có hợp tác cùng "đại gia" lớn trên thế giới như GE trong lĩnh vực IoT, Airbus trong lĩnh vực phát triển nền tảng dữ liệu ngành hàng không, mời Jack Ma đến Việt Nam...

Tại WEF, FPT còn tham gia tổ chức các cuộc xúc tiến kết nối cơ hội hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, với mục tiêu quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có nhiều triển vọng hợp tác đầu tư và đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chuyển đổi số; kết nối cơ hội hợp tác đôi bên.

Trong một chuyến thăm Nhật Bản mới đây, khi chứng kiến tấm bảng "săn cá voi" của FPT Japan làm từ những ngày đầu chiến dịch, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT cho biết, trên bảng là một bức tranh con cá voi khổng lồ đang cưỡi sóng, phía xa là đỉnh núi Phú Sĩ, phần đuôi cá voi màu trắng là tên các công ty đã là khách hàng của FPT. "Có khoảng 40 chấm đỏ trên đỉnh núi Phú Sĩ, là những con cá voi lớn nhất Nhật Bản", ông Bảo nhẩm tính.

Bức tranh tại văn phòng FPT Japan với các chấm đỏ trên núi Phú Sĩ thể hiện số lượng khách hàng, đối tác nước ngoài của FPT.

Tiếp nối hành trình "săn cá voi" của ông Bình, năm 2020, FPT Software xác định chiến lược Follow  the  Sun (Theo chân Người khổng lồ), để hợp tác cùng các doanh nghiệp top đầu thế giới trong mỗi ngành nghề. Chiến lược này giúp họ mở rộng vùng phủ tại các quốc gia phát triển, tiếp cận và hỗ trợ những khách hàng tiềm năng, từ đó đóng góp quan trọng vào doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn FPT.

Năm 2023, lần đầu tiên, FPT cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài, gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp tỷ USD thế giới.

Theo ông Bình, hơn hai thập kỷ trước, FPT khát vọng đem trí tuệ và công nghệ Việt Nam ra toàn cầu và FPT Software được thành lập để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Sau 2 thập kỷ, Việt Nam đã được thế giới biết tới như một trung tâm thu hút đầu tư kinh doanh và đổi mới số. FPT đã chứng minh được vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy cơn sóng này, đưa trí tuệ Việt tỏa sáng khắp năm châu. Trên hành trình phía trước, FPT vẫn đi theo một giấc mơ đưa đất nước lên tầm cao nhất bằng công nghệ, vì một tương lai bền vững và hạnh phúc.

Bà Chu Thị Thanh Hà cho rằng, trước đây với FPT, hợp đồng 1 triệu USD được gọi là to nhưng bây giờ hợp đồng to phải là 5 triệu USD, 10 triệu USD. Và số lượng những hợp đồng to như thế này ngày càng gia tăng. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng 5 triệu USD mà FPT ký kết đã bằng xấp xỉ 70% tổng số hợp đồng Tập đoàn ký được trong cả năm 2023.

"Khi đã đạt tới doanh thu tỷ đô thì mục tiêu tiếp theo là gì? 5 năm trước đây, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu công ty tỷ đô, đẳng cấp thế giới. Vế đầu đã đạt được và vế sau thì chúng tôi đang tiếp tục phấn đấu. Các con số rồi cũng sẽ lạc hậu và hành trình đi đến đẳng cấp thế giới mới thực sự tạo ra cảm xúc cho  người FPT Software", ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ với toàn thể cán bộ nhân viên tại sự kiện CxO Talk đầu năm nay.

Để đạt đến "đẳng cấp thế giới" vẫn có những cột mốc mà FPT Software phải chinh phục được. Đó chính là mục tiêu doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030 và chuỗi mục tiêu 5 GIGA: "thị trường tỷ đô, chuyên ngành tỷ đô, hợp đồng tỷ đô, khách hàng tỷ đô và lợi nhuận tỷ đô". Chắc chắn đây cũng chính là những giấc mơ lãng mạn tiếp theo của người FPT Software.

Với đội ngũ nhân sự trên 30 quốc gia, FPT Software luôn không ngừng đặt ra những mục tiêu đầy thách thức để vươn ra toàn cầu. Đây cũng chính là cách công ty "tạo ra adrenaline" để kích thích mỗi người phải vượt lên chính mình. "Chỉ có tăng trưởng mới duy trì khát vọng, và giữ được chân người tài trong tổ chức", ông Tuấn đúc kết.

Tổng kết về chặng đường 25 năm của FPT Software, bà Chu Thị Thanh Hà cho biết, công ty đang trải qua chu kỳ 10 năm thứ 3 với vị thế "công ty tỷ đô đẳng cấp thế giới". Mục tiêu của FPT Software trong giai đoạn này là hợp tác và phát triển trong các hệ sinh thái quốc tế bền vững, vào danh sách Top 50 Công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu vào năm 2030.

Nội dung: Tuấn Vũ - Thiết kế: Thái Hưng