25 năm trước, bà Cao Chí Hiệp sống ở Thượng Hải tuổi được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn cuối. Bác sỹ nói, người phụ nữ 51 tuổi chỉ sống thêm được nhiều nhất 3 năm.
Những cuộc phẫu thuật rồi xạ trị khiến người phụ nữ chịu nhiều đau đớn. Bà bị rụng tóc, thường xuyên nôn ói, yếu ớt không thể đứng vững. Thương vợ, ông Cốc Chính Đông quyết định nghỉ hưu sớm đưa vợ du lịch khắp nơi với lý do: "Đây hành trình đánh bại ung thư". Thực chất người chồng chỉ muốn vợ được vui vẻ, không còn gì nuối tiếc những ngày cuối đời.
Thời điểm đầu, hai vợ chồng đi theo các tour du lịch. Ông Cốc nhận ra sức khỏe của vợ ngày một tốt hơn nên dùng hết tiền tiết kiệm mua một chiếc xe, bắt đầu hành trình của hai vợ chồng.
Từ năm 1996 đến nay, họ đã đi qua quãng đường hơn 250.000 km, với hơn 1.100 điểm du lịch. Họ đến Bắc cực rồi Nam Á, tự lái xe qua Lào và Thái Lan, cùng nhau trải qua bão cát ở Tân Cương hay lật xe ở Tây Tạng... Nhưng khó khăn không mài mòn ý chí, ngược lại càng khiến họ quyết tâm biến cuộc sống thành một hành trình ý nghĩa. Đáng ngạc nhiên là từ đó tới nay, căn bệnh ung thư dường như "chào thua" bà Cao.
Ông Cốc luôn thích câu nói của triết học gia Martin Heidegger: "Khi cận kề cái chết, chúng ta mới hiểu ý nghĩa của cuộc sống". Với tâm nguyện này, cặp vợ chồng cùng nhau trải qua 25 năm du lịch khắp nơi trên thế giới. Năm 2003 họ đi khắp các tỉnh của Trung Quốc, bệnh tình của bà Cao ngày càng tốt lên. Thậm chí khi đến viện kiểm tra, bà không còn phải dùng thuốc nữa.
Để tiện cho các chuyến đi dài ngày, ông Cốc cải tiến chiếc xe thành một ngôi nhà di động, với đầy đủ nhà vệ sinh, giường nằm, bếp... Ngoài lái xe, ông còn kiêm luôn đầu bếp, một ngày nấu đủ 3 bữa, chưa bao giờ phàn nàn vợ mình không giỏi việc nấu nướng. Người chồng cho rằng, bà Cao là người của công việc, không thích loanh quanh bếp núc. "Bà ấy từng là giảng viên. Một khi giảng bài thì không ai bằng được", người chồng nói về vợ.
Với sự chăm sóc hết lòng của chồng, bà Cao nói rằng: "Đời này gặp được ông ấy là phúc phận của tôi. Ông trời sắp đặt để tôi gặp được tri kỷ của mình’.
Năm 2010, Cốc Chính Đông khi đó 64 tuổi, bị lật xe ở Tây Tạng. Hai vợ chồng bị thương nặng, người chồng bị gãy xương sống, còn không thể cử động, phải nằm viện thời gian dài. Khi dần bình phục, bà Cao an ủi chồng: "Mọi chuyện qua rồi, không có gì phải sợ nữa, chúng ta tiếp tục lên đường chứ". Thấy sự quyết tâm của vợ, ông Cốc nói: "Chỉ cần bà dám ngồi, tôi sẽ dám lái".
Với số tiền hưu trí 8.000 tệ mỗi tháng (khoảng 30 triệu đồng), hai vợ chồng thường ngủ trong ôtô, ăn uống đơn giản. Họ chọn đi các tỉnh lộ, quốc lộ để giảm chi phí cầu đường, tự đi chợ, nấu ăn cho nhau. "Tốn nhất là tiền xăng, nhưng nếu chi tiêu hợp lý, hai vợ chồng vẫn sống đủ", ông Cốc nói.
Người đàn ông cũng phủ nhận bản thân là người "lắm tiền nhiều của" hay "sống nhờ vào sự chu cấp của con cái" như dư luận đã nói.
Hơn 20 năm rong ruổi nhiều cung đường, ông Cốc đã tổng kết lại hành trình ngao du của hai vợ chồng, viết thành một cuốn sách, khi xuất bản được rất nhiều người yêu thích. Trong cuốn sách, ông nói cuộc sống hai vợ chồng hiện tại rất lãng mạn: "Hôm nay là núi, ngày mai gặp hồ, ngày kia ngắm biển cả".
"Chỉ cần tôi vẫn đủ sức lái xe, vợ vẫn còn có thể ngồi xe, chúng tôi sẽ luôn ở trên đường và luôn bên nhau", người đàn ông ở cái tuổi xưa nay hiếm khẳng định.
Vy Trang (Theo sohu)