Thứ ba, 3/12/2024
Thứ hai, 13/8/2012, 11:36 (GMT+7)

25 khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic 2012

Bolt giành HC vàng chạy 100m, Phelps thống trị đường đua xanh, Mexico phá vỡ giấc mơ bóng đá của Brazil, VĐV điền kinh cắn răng thi đấu với chân bị gãy... là những khoảnh khắc được nhắc tới nhiều nhất ở Thế vận hội năm nay.

Sally Pearson ngã xuống sân vì vui sướng sau cuộc đua 100m vượt rào nữ. Trước đó hầu như mọi con mắt đều hướng về ứng cử viên số một Lolo Jones.

VĐV người Đức, Matthias Steiner, bị tạ rơi vào cổ khi nâng mức 196kg. Sự cố khiến Steiner bị chấn thương nhẹ và mất cơ hội bảo vệ huy chương vàng.

Tuyển bóng đá nam Mexico phá vỡ giấc mộng vàng Olympic của Brazil bằng chiến thắng 2-1 gây sốc trong trận chung kết. Đội bóng áo xanh dẫn trước 2-0 nhờ cú đúp của Oribe Peralta. Brazil chỉ gỡ được một bàn danh dự nhờ công Hulk trong khoảng thời gian đá bù.

Nữ kình ngư 16 tuổi của Trung Quốc, Shiwen Ye, gây sốc với thành tích bơi nhanh hơn nam kình ngư Ryan Lochte trong 50m cuối nội dung 400m hỗn hợp. Không ít chuyên gia nghi ngờ hai huy chương vàng 400m và 200m hỗn hợp của Ye nhưng các cuộc xét nghiệm doping đều cho kết quả âm tính. Ban tổ chức cũng khẳng định không có gì khuất tất về VĐV này.

Đội tuyển bóng rổ nam Mỹ bảo vệ thành công huy chương vàng Olympic sau chiến thắng nghẹt thở với tỷ số 107-100 trước Tây Ban Nha trong trận chung kết.

Kiếm thủ Hàn Quốc, Shin A Lam khóc ròng sau trận bán kết với Britta Heidermann. Tranh cãi xảy ra xung quanh sự cố đồng hồ điện tử ngừng chạy khi trận đấu chỉ còn 1 giây. Heidermann nhờ đó có thêm 2 giây để tấn công ghi điểm quyết định. Không thể đảo ngược kết quả bất công, A Lam xuống tinh thần và thua nốt trận tranh huy chương đồng.

Đội tuyển chạy 4x100m tiếp sức nữ của Mỹ lập thành tích 40 giây 82, phá kỷ lục 41 giây 37 của Đông Đức cũ lập năm 1985. Đây là kỷ lục tồn tại lâu nhất bị phá vỡ tại London.

Nam kình ngư nổi tiếng Ryan Lochte đánh mất lợi thế dẫn đầu cho Yannick Agnel ở nội dung sở trường 4x100m tự do tiếp sức. Đội tuyển Mỹ do đó không bảo vệ được huy chương vàng giành tại Bắc Kinh 2008.

Shiwen Ye không phải là kình ngư tuổi teen duy nhất giành huy chương vàng tại Olympic London. Kỳ tích của Ye bị vượt qua khi Katie Ledecky, cô gái 15 tuổi của Mỹ, về nhất ở nội dung 800m tự do.

Đoàn thể thao Triều Tiên phẫn nộ trước sự cố cờ Hàn Quốc xuất hiện bên cạnh một cầu thủ bóng đá nữ nước này. Ban tổ chức Olympic đã phải đưa ra lời xin lỗi.

McKayla Maroney, VĐV nhảy ngựa của Mỹ, cau mày khi chỉ đoạt huy chương bạc ở nội dung mà cô vốn là ứng cử viên số một. Bức ảnh này lan truyền khắp thế giới như bằng chứng về việc thiếu tinh thần thể thao.

Cặp Misty May Treanor - Kerri Walsh của Mỹ giành huy chương vàng bóng chuyền bãi biển lần thứ ba liên tiếp sau chiến thắng 21-16, 21-16 trước cặp đối thủ đồng hương April Ross - Jen Kessy.

4 VĐV Yu Yang, Wang Xiaoli (Trung Quốc), Ha Jungeun và Kim Min (Hàn Quốc) bị loại khỏi nội dung cầu lông đôi nữ sau khi cố ý chơi dưới phong độ để tránh gặp "gà nhà" ở vòng đấu tiếp theo. Yu Yang sau đó lập tức tuyên bố giải nghệ.

Manteo Mitchell làm như không có chuyện gì xảy ra khi chuẩn bị trao gậy cho đồng đội ở vòng loại chạy 4x400m tiếp sức. Sau tình huống này, Mitchell tập tễnh rời sân. Các bác sĩ cho biết VĐV này đã phải chạy 200m cuối với xương mác bị gãy.

Các cô gái Mỹ vui sướng sau khi phá kỷ lục bơi 4x100m hỗn hợp tiếp sức. Ba trong số bốn VĐV này đang giữ kỷ lục ở từng nội dung cá nhân.

Andy Murray làm rạng danh chủ nhà Liên hiệp Anh với thành tích đánh bại Roger Federer trong trận chung kết quần vợt đơn nam. Đây là chiến thắng đáng kể đầu tiên của Murray sau hàng loạt thất bại tại các Grand Slam.

Jordyn Wieber, nữ VĐV thể dục của Mỹ, lặng lẽ khóc khi thất bại ở vòng loại nội dung toàn năng cá nhân. Nhà đương kim vô địch thế giới chỉ giành được vị trí thứ ba, xếp sau hai đồng đội Aly Raisman và Gabby Douglas.

Felix Sanchez, VĐV điền kinh người Dominica, hôn ảnh người bà đã mất khi giành chiến thắng ở nội dung 400m vượt rào. Năm 2008, Sanchez thậm chí không qua nổi vòng loại khi ra sân với tin buồn và mất cơ hội bảo vệ chức vô địch.

VĐV chạy 110m vượt rào của Trung Quốc, Liu Xiang đặt nụ hôn lên rào như một lời chia tay sau khi vấp ngã và dính chấn thương. Xiang là nhà vô địch 2004 và đang giữ kỷ lục thế giới 12 giây 91.

Rudisha, VĐV người Kenya, phá kỷ lục thế giới đầu tiên tại Olympic (chỉ tính điền kinh) khi đạt thành tích 1 phút 40 giây 91 trong cuộc đua 800m nam.

VĐV thể dục Gabby Douglas của Mỹ xuất sắc giành 15.033 điểm và huy chương vàng cá nhân toàn năng. Tổng thống Mỹ Obama sau đó đã gọi điện chúc mừng nhà vô địch 16 tuổi.

Alex Morgan (trái), hoa khôi đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ, chia vui sau khi thực hiện cú đánh đầu ghi bàn nâng tỷ số lên 4-3 ở phút 120 trận bán kết với Canada. Mỹ sau đó thắng Nhật Bản 2-1 để giành huy chương vàng thứ ba liên tiếp.

Michael Phelps giành huy chương vàng thứ 18 qua 4 kỳ tham dự Olympic, trở thành VĐV giàu thành tích nhất trong lịch sử.

Mo Farah trở thành một trong những VĐV nổi tiếng nhất của chủ nhà Liên hiệp Anh khi đoạt liên tiếp hai huy chương vàng nội dung chạy 5.000m và 10.000m.

Usain Bolt về nhất cự ly 100m nam, phá kỷ lục Olympic của chính mình với thành tích 9 giây 63. Siêu sao người Jamaica sau đó giành thêm huy chương vàng 200m và 4x100m tiếp sức để trở thành VĐV được nhắc đến nhiều nhất tại Olympic 2012.