Khi linh kiện điện tử liên tục được cải tiến theo hướng nhỏ hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn, nhiều dòng máy tính xách tay ngày nay có cấu hình không thua gì máy bàn, và kể cả bàn phím cũng là kiểu full-size tương tự. Đây là tin tốt lành cho người mua nhưng có điều, đối với từng mục đích ứng dụng cụ thể, người dùng nếu biết cách sẽ có thể lựa được sản phẩm ưng ý tránh lãng phí không cần thiết.
Một loạt các câu hỏi cần bạn trả lời khi muốn lựa chọn một chiếc laptop. Chẳng hạn, nếu muốn cấu hình đỉnh nhất, tầm giá của nó chắc chắn cũng đỉnh tương đương, liệu bạn có chịu nổi "nhiệt" không? Màn hình nếu lớn thì thường ảnh hưởng đến tính cơ động dễ dàng xách tay, còn số lượng cổng kết nối thế nào là đủ? Bộ nhớ chính RAM khoảng bao nhiêu là vừa? Tuy nhiên, 25 hạng mục cần lưu ý với laptop dưới đây đảm bảo cho bạn đầy đủ các đáp án để trả lời.
1. Lựa chọn kiểu dáng
Máy tính xách tay hiện được chia làm 4 "hạng cân" như sau: siêu gọn nhẹ hay ultraportable (dưới 2 kg), mỏng và nhẹ (2-4 kg), tầm đại trà (3-5 kg), và thay thế máy bàn (hơn 5 kg). Các máy tính hạng siêu gọn nhẹ thường dành cho những người thường xuyên di chuyển. Do đó, các laptop này có màn hình nhỏ, thường chỉ 10-12 inch và bàn phím nhỏ bé chật chội. Mặt khác, vì thu gọn xuống quá nhỏ, chúng thường thiếu đi các bộ phận như ổ quang tích hợp sẵn, ổ cứng dung lượng lớn và nhanh trong khi lượng cổng kết nối cũng hạn chế.
Samsung Q30, một laptop siêu gọn nhẹ màn hình màn ảnh rộng. Ảnh: Cnet. |
Pin của các máy dòng ultraportable cũng nhỏ nên dung lượng thấp, chỉ duy trì được khoảng 2 giờ. Tuy nhiên, với các công nghệ thiết kế bộ xử lý mới, tuổi thọ pin của laptop siêu gọn nhẹ đã vươn tới mốc 4 giờ. Sau cùng, một điều tưởng chừng phi lý là các công nghệ để đạt được kích thước nhỏ bé đó thường có chi phí cao, do đó giá thành sản phẩm thường khá đắt đỏ so với các laptop kích thước lớn hơn.
Cân bằng được giữa các tiêu chí kích thước, tuổi thọ pin, và năng lực xử lý, các máy tính xách tay mỏng nhẹ (thin-and-light) là lựa chọn hoàn hảo cho cả hai giới doanh nhân và sinh viên. Màn hình lớn hơn (14-15") giúp bàn phím cũng "nở" ra khiến cho việc thao tác thoải mái hơn so với hạng ultraportable, đặc biệt là với những văn bản dài. Tuỳ thuộc vào từng ứng dụng, nhưng tuổi thọ pin trung bình của dòng này thường đạt khoảng 4 giờ làm việc liên tục.
*5 laptop cho doanh nhân |
*Laptop siêu gọn nhẹ 'đỉnh' nhất |
*Laptop đa năng tốt nhất |
*Kẻ 'giết chết' desktop PC |
*Top 5 laptop mỏng nhẹ |
Các laptop dòng "đại trà" (Mainstream) được coi như là các máy tính để bàn giá rẻ. Chúng là lựa chọn tốt cho tất cả các ứng dụng thường thức, nhưng không đạt được bất kỳ danh hiệu gì cả về tính năng hay khả năng thực thi trong bất cứ cuộc so tài nào. Mặc dù không được quy vào dòng mỏng hay là nhẹ, chúng vẫn được xếp vào loại có thể xách tay. Với màn hình từ 14 inch trở lên, bộ cổng kết nối tiêu chuẩn, bàn phím lớn và thích hợp cho sử dụng thường xuyên hàng ngày.
Còn nếu bạn muốn một máy tính xách tay mạnh như máy tính để bàn, bạn cần tìm đến dòng thay thế máy bàn (desktop replacement). Với kích thước màn hình 15-17 inch, trọng lượng có khi lên tới 6 kg và tuổi thọ pin trung bình chỉ khoảng 3 giờ, dòng này không phải là lựa chọn thích hợp cho người luôn phải di chuyển. Hiển nhiên với cấu hình mạnh mẽ, chúng đáp ứng được nhiều loại ứng dụng khác nhau và chỉ dành cho người dùng laptop chuộng phần cứng.
2. Bộ xử lý trung tâm (CPU)
Bộ xử lý chính thì càng nhanh càng tốt, bất kể ở "hạng cân" nào. Tuy nhiên, bạn có khá nhiều lựa chọn tuỳ theo chủng loại và thương hiệu, chẳng hạn Celeron, Pentium hay Core (các chủng loại bộ vi xử lý của Intel); hoặc lựa chọn giữa AMD hay Intel.
Dòng CPU Pentium M của Intel cho tốc độ khá nhanh nhưng tiêu thụ năng lượng hiệu quả. Các chip này, kết hợp với card LAN không dây của intel và chip 915 Express hoặc 855 tạo nên công nghệ di động Intel Centrino. Nhược điểm lớn nhất của CPU Pentium M là giá cả, hiện vẫn còn khá đắt.
Lenovo-IBM ThinkPad Z60t với chip Intel Pentium M 1,86 GHz và trọng lượng 2,08 kg. Ảnh: PC Pop. |
Các bộ xử lý di động của AMD cho năng lực ngang ngửa với Intel, nhưng thường vẫn xếp sau Intel trên những bài thử nghiệm MobileMark. Tuy nhiên, các bộ xử lý AMD Turion 64 có thể là một lựa chọn thay thế tương đương. AMD cho biết chip của họ khả quan cả về khả năng thực thi, nối mạng không dây và cho tuổi thọ pin dài.
Tuy nhiên, bạn sẽ còn gặp các máy tính xách tay sử dụng bộ xử lý của máy tính để bàn đến từ Intel hoặc AMD. Các CPU của máy bàn thường cho dải rộng tốc độ xử lý và giá cả, nhưng vốn không được thiết kế dành riêng cho dòng máy tính xách tay nên khi chạy nhanh nóng và "ngốn" điện năng. Các bộ xử lý Celeron của Intel, bao gồm cả hai loại dành cho máy bàn và máy di động (Celeron M) là một lựa chọn khác nữa, nhưng vì là CPU cấp thấp nên thường cho năng lực kém hơn. Mặc dầu vậy, nếu bạn chỉ cần laptop cho các ứng dung tối cơ bản như xử lý văn bản Word, Excel, lướt web... thì Celeron hoàn toàn có thể đáp ứng được.
3. Màn hình định dạng rộng (Widescreen)
Các máy tính xách tay màn hình rộng, thường có tỷ lệ 16:9 hoặc 16:10, cho hình ảnh lớn hơn, nét hơn, và các hình ảnh cần sự bao quát khoảng rộng tốt hơn màn hình 4:3 truyền thống. Màn hình "wide" là lý tưởng cho các ứng dụng xem phim, hai văn bản hoặc các trang web mở ra cùng lúc cạnh nhau. Một chiếc laptop 17" màn hình định dạng rộng là phương án lựa chọn sáng suốt với người dùng rủng rỉnh ngân sách và ít có nhu cầu di chuyển liên tục với nó.
4. Thích hợp hiển thị ngoài trời
Ánh sáng mặt trời thường là khắc tinh của màn hình tinh thể lỏng, và đồng nghĩa với màn hình laptop. Nếu bạn muốn làm việc ngoài trời , bạn cần phải lựa chọn những laptop được hỗ trợ tốt nhất cho việc xem dưới nắng mặt trời trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các model dành cho người dùng đều đến với màn hình kiểu phát xạ ánh sáng bên trong (transmissive screen). Các màn hình này được rọi sáng từ phía sau, và thường bị mờ đi do xung đột với các nguồn sáng mạnh như ánh nắng mặt trời.
Acer TravelMate 2427AWXCI. Ảnh: PCPop. |
Ngoài ra, còn có một loại màn hình khác là màn hình phản chiếu (Reflective LCD), các điểm ảnh của nó vừa có ánh sáng chiếu từ bên trong, vừa nhận ánh sáng từ môi trường ngoài chiếu xuyên vào và phản xạ lại, do đó nó làm việc tốt hơn khi ở ngoài trời nhưng tối hơn nếu làm việc trong các phòng thiếu sáng.
5. Bộ nhớ chính - RAM
Có đủ bộ nhớ là một vấn đề quyết định cho khả năng thực thi của toàn hệ thống, và dung lượng RAM càng lớn cho phép chạy càng nhiều ứng dụng đồng thời. RAM dồi dào cũng là một yêu cầu cần thiết cho các ứng dụng nặng như ứng dụng đồ hoạ, chỉnh sửa ảnh, video, hoặc chạy game 3D. Đây cũng là một thông số cốt yếu ở máy tính xách tay, vì thông thường chip đồ hoạ của laptop hay bị thiếu bộ nhớ (VRAM nhỏ) và luôn phải chia sẻ với bộ nhớ chính tức là RAM.
Nâng cấp RAM là cách dễ dàng nhất để nâng cao khả năng thực thi của máy nhưng phải đảm bảo chắc chắn máy được hỗ trợ khe cắm mở rộng. (Chúng thường nằm trên một panel ở dưới đáy thân máy). Có một cách dễ dàng để biết bạn cần mức RAM bao nhiêu:
256 MB: phù hợp với các ứng dụng cơ bản, nhưng tốt nhất nên chạy một ứng dụng tại một thời điểm.
512 MB đến 1 GB: Thích hợp để chạy nhiều chương trình cùng một lúc, chỉnh sửa ảnh và chơi game 3D cơ bản.
1GB trở lên: Khuyến nghị dành cho các ứng dụng hạng nặng như chơi game 3D cao cấp, các công việc đồ hoạ và chỉnh sửa video.
T.B. (theo Cnet)