Sheri tự gọi mình là một đóa hoa nở muộn của giới phượt thủ bởi cô chỉ khám phá ra niềm đam mê khi ngoài 30. Trong 6 năm xê dịch, Sheri đã đặt chân đến nhiều miền đất từ New Zealand, miền Nam nước Mỹ, châu Âu và nhiều nhất là Đông Nam Á. Cô ghé thăm Việt Nam vào năm 2013. Không chọn Hà Nội hay Sài Gòn, Sheri dừng chân tại Cần Thơ sau khi đi bằng đường bộ qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Những dòng chia sẻ được Sheri viết vào ngày đầu tiên cô tới Cần Thơ trên trang Nearly Intrepid.
Trên chuyến xe đi từ thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) về Cần Thơ, Sheri kể lại rằng cô nhìn thấy 8 nhà thờ thiên chúa và 9 từ tiếng Anh trên những biển hiệu, 2 trong số đó là cà phê. Người dân ven đường nhìn chăm chăm vào chiếc xe ô tô chở đầy những vị khách ngoại quốc. Họ tròn mắt trông theo với vẻ nghi ngại trên gương mặt, đôi khi họ còn dừng xe lại để dõi theo.
Sheri cho rằng có lẽ không có quá nhiều du khách đến Việt Nam, nhất là những vùng nông thôn miền Nam. Du khách Tây là những người gây tò mò, Sheri nghĩ vậy sau khi bắt gặp những ánh nhìn của người dân. Cô cảm thấy mình không được chào đón. Dù vậy, Sheri vẫn thấy nhiều người mỉm cười với cô. Trẻ con chào cô bằng tiếng Anh, nhiều em còn luyện nói với cô. Một vài người tới hỏi Sheri rằng cô đến từ đâu và kể loáng thoáng với cô về người bà con nào đó của họ đang sống ở Vancouver hay Edmonton (Canada).
Nhưng Việt Nam không giống với Campuchia, nơi Sheri vừa rời đi ngày hôm trước. Trẻ em Việt Nam biết nói tiếng Anh không nhiều. Những nhân viên dịch vụ cũng chỉ nói được rất ít tiếng Anh, đủ để du khách đặt xe hay tour du lịch.
Khách sạn Sheri đặt nằm ven sông và gần những khu chợ. Cô đi dạo một vòng giữa khu chợ ồn ào đầy những người mua sắm Tết. Theo Sheri tìm hiểu về hành trình du lịch vào đợt Tết âm lịch của du khách, mọi thứ sẽ rất khó khăn trong việc ăn uống hay nghỉ ngơi bởi người dân địa phương thường đóng cửa và về nhà trong suốt đợt nghỉ Tết.
Khi Sheri đang mải mê với những suy nghĩ ấy giữa phiên chợ Tết, một người phụ nữ đến hỏi xem cô có phải là khách nghỉ ở khách sạn nọ và mời chào một tour tham quan bằng thuyền trên sông với giá 40 USD. Sheri dù biết rằng chuyến đi chỉ mất chừng 16 USD hoặc thậm chí 6 USD, song người phụ nữ tiếp tục kể ra hành trình thăm chợ nổi, ngắm đồng lúa, thăm xưởng sản xuất phở và một ngôi làng địa phương. Quá mệt mỏi sau 9 giờ đi lại, Sheri rút ví trả tiền mà không muốn mặc cả thêm.
Người phụ nữ nọ sau đó mách cho Sheri một quán ăn khá ngon dọc đường, không quên dặn cô trông chừng điện thoại và túi xách. Cảnh giác với tất cả, Sheri nắm chặt ví và tiến tới quán ăn, gọi một bát phở ăn kèm rau và dùng một ly nước chanh, trước khi về thẳng phòng nghỉ để ngả lưng. Cô phải thức giấc vào 5 giờ sáng hôm sau cho kịp tour thăm chợ nổi.
Sau chuyến đi thuyền vào sám hôm sau, Sheri vào chợ mua đồ. Cô phải lựa chọn rất cẩn thận bởi hiểu rằng với người Việt, khách không mua đồ hay trả lại hàng sẽ bị xui. Cuối cùng Sheri chọn cho mình một chiếc khăn quàng giá 5 USD bởi thời tiết lúc đó khá lạnh. Sheri phát hiện ra rằng cô bé bán hàng nói tiếng Anh rất khá, song cô tự nhủ rằng người dân không phải ai cũng sẵn sàng khoe vốn ngoại ngữ của mình nếu họ không quý mến hoặc không muốn du khách rút hầu bao.
Sheri tìm thêm chút đồ ăn vỉa hè. Trên chuyến xe vào Cần Thơ, cô đã thử bánh bao nhân thịt heo và trứng cút luộc, cô vẫn còn thòm thèm. Sheri tìm ra một vài hàng bán đồ ăn ven đường khá ngon nhưng người bán hàng làm phần ăn của cô khác so với những người khác, có lẽ do họ không chắc cô thích ăn vị thế nào. Khi Sheri ăn xong và trở lại sau 1 tiếng, người chủ quán niềm nở nấu phần ăn cho cô với nhiều thức ăn hơn. Sheri gọi đó là món bánh taco gạo.
Trên đường về khách sạn, Sher dừng lại mua một ít bia trong cửa hàng. Người bán hàng yêu cầu Sheri trả 15.000 đồng cho chai bia song cô trả lại bia vì quá đắt. Có lẽ chủ hàng không bất ngờ trước phản ứng của cô song Sheri nghĩ cô đã đem lại vận xui cho họ. Người chồng vừa gật đầu vừa nói với Sheri bằng vài câu tiếng Việt gì đó. Sheri nghĩ rằng anh ta vừa dùng lời lẽ không hay với cô và rời khỏi cửa hàng. Cô trở về khách sạn chuẩn bị cho chuyến đi Sài Gòn vào ngày hôm sau.
Sau 24 giờ đầu tiên tiếp xúc với con người và văn hóa Việt Nam, Sheri chia sẻ rằng cô cảm mến đất nước này. Tuy nhiên đọng lại trong lòng nữ khách vẫn là một cảm giác lạc lõng như thể một người xa lạ.
Xem thêm: Việt Nam 'vừa yêu vừa ghét' trong mắt khách Tây
Phạm Huyền