Đến với cố đô, ngoài cảnh đẹp và các công trình cổ xưa, du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon nức tiếng. Hầu hết có cách chế biến cầu kì, từ những món trong cung đình đến dân gian. Bởi người Huế quan niệm, món ăn phải đẹp và ngon, đến đây, ăn không chỉ để no mà còn là trải nghiệm văn hóa. 24h không đủ để khám phá tất cả món ăn cố đô, nhưng du khách có thể thử một số món ăn đặc trưng mà cả người dân địa phương đều "nghiện".
Khoảng 5h30, du khách có thể dậy sớm, lái xe từ thành phố về đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) để ăn món bánh xèo cá kình độc đáo. Cái lạ, cái ngon của món ăn này chính là cá kình, cách ăn và không gian ăn. Trên đường đến đầm Chuồn, du khách được ngắm bình minh, đường làng, xem ngư dân kéo lưới, họp chợ... và được tự mua cá, sau đó mang đến hàng "đổ bánh thuê".
Người đổ bánh thuê lấy lá chuối chấm quét dầu lên lòng chảo. Dầu sôi, họ bỏ cá kình vào, đổ lớp bột bánh mỏng, sau đó rải thêm giá đỗ và hành bên trên rồi đậy vung lại. Du khách nên gỡ vây cá, bỏ xương sau đó chấm miếng bánh có nguyên con cá vào nước mắm cay. Thịt cá kình béo ngậy, đặc biệt là phần ruột, tất cả quyện với lớp bột bánh giòn, giá đỗ và nước mắm. Ngoài bánh xèo cá kình, có thể chọn ăn thêm bánh xèo tôm, bánh xèo mực. Cá kình 13.000 - 15.000/ lạng, công đổ bánh 2.000 đồng/ cái.
Sau đó, du khách di chuyển về thành phố vào khoảng 8h để thưởng thức món bún bò Huế trứ danh. Nhiều người dân Huế cho rằng, một nồi bún ngon cần có nước dùng trong, mang vị ngọt của xương thịt hầm, mùi thơm dịu của sả cùng vị đặc trưng của ruốc. Ruốc là nguyên liệu không thể thiếu tạo nên hương vị đặc biệt cho nhiều đặc sản cố đô.
Du khách chạy dọc trên đường sẽ thấy rất nhiều quán bún. Một tô bún bò đầy đủ gồm có giò heo, thịt bò tái, chả cua, chả quết, tiết có giá 30.000 - 35.000 đồng. Khi ăn, vị ngọt tự nhiên từ các loại rau sống hòa vào nước dùng nóng hổi, thân và cọng rau giòn nhẹ là sự bổ trợ hài hòa cho độ dai mềm của bún và thịt. Hương vị bún bò chính gốc đậm đà, du khách tinh ý cũng sẽ nhận ra sợi bún nhỏ hơn so với sợi bún trong bún bò Huế ở các địa phương khác. Một số địa chỉ gợi ý là 47 Nguyễn Công Trứ, 20 Bạch Đằng, 17 Hùng Vương...
Khoảng 9h, du khách có thể ghé tiệm cà phê muối để thưởng thức và thư giãn. Nguyên liệu muối nghe tưởng như lạc lõng, hóa ra lại càng làm nổi bật hương vị nồng nàn của cà phê. Một tách cà phê muối chỉ gồm sữa lên men với muối, sữa đặc và một phin cà phê nhôm truyền thống. Nhấp một ngụm, thực khách cảm nhận được vị thơm, ngậy của sữa tươi lên men, vị mằn mặn của muối và vị cà phê đen đậm đà. Tách cà phê có giá 15.000 đồng; 10 Nguyễn Lương Bằng, 142 Đặng Thái Thân là hai địa chỉ gợi ý cho du khách.
Khoảng 11h, hãy ghé quán cơm niêu truyền thống để cảm nhận hương vị cơm Huế. Thứ đặc trưng nhất trong bữa cơm có lẽ là mắm. Có thể kể đến các loại mắm đặc trưng của như mắm dưa, mắm cá, mắm ruốc...
Nếu đi nhóm đông, du khách có thể gọi nhiều món để thưởng thức các hương vị đa dạng. Các món ăn Huế được chế biến bắt mắt, đậm đà, rất đưa cơm. Nên thử những món như cá bống kho tộ, thịt kho mắm ruốc sả, thịt luộc chấm mắm tôm, vả trộn... Mỗi món ăn có giá từ 40.000 - 150.000 đồng. Một số địa chỉ gợi ý là 205 Điện Biên Phủ, 59 Hai Bà Trưng, 38 Nguyễn Lương Bằng...
Bữa chiều, du khách có thể thưởng thức bánh khoái, bún mắm nêm và các loại bánh. Nhiều người nhầm bánh khoái Huế và bánh xèo vì hình thức của hai món này có nhiều nét tương đồng. Thực tế, bánh khoái nhỏ, vỏ bột dày và giòn hơn bánh xèo. Nước chấm của bánh khoái gọi là nước lèo, được làm từ gan heo, thịt nạc băm nhuyễn, mè rang, đậu phộng giã nhuyễn cùng tương đậu nành. Du khách bỏ bánh vào bát, lấy chút rau sống, sau đó chan nước lèo bên trên. Vỏ bánh giòn rụm, vị bùi bùi của nước lèo cùng rau sống tươi xanh sẽ là mở đầu hoàn hảo cho bữa xế vào 15h.
Ngoài ra, một món ăn thường được người Huế chọn để ăn vặt vào buổi chiều là bún mắm nêm. Món ăn nổi bật với mùi thơm đặc trưng của mắm nêm, làm bao thực khách say mê. Tô bún mắm nêm có giá 15.000 - 20.000 đồng gồm nem, chả, tai heo, rau sống và chua ngọt giòn giòn. Du khách có thể ghé các quán ăn ở đường Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ để thưởng thức.
Nhắc đến đặc sản Huế, không thể bỏ qua các loại bánh như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ram ít... Mỗi phần bánh nhỏ xinh, cũng như phong cách ăn của người Huế, chỉ ăn lấy hương lấy hoa. Bánh bèo được đúc trong từng chén nhỏ, sắp lên cái mẹt tre. Trên mặt những chiếc bánh trắng muốt là tôm chấy màu cam đỏ, màu vàng của tóp mỡ cùng màu xanh của mỡ hành.
Ăn các loại bánh này không thể ngon nếu thiếu đi nước mắm, mỗi loại bánh lại có cách pha nước mắm khác nhau. Bánh bèo, bánh nậm dùng nước mắm ngọt, ớt. Bánh ướt nhụy tôm dùng nước mắm đường, ớt, tỏi, chanh; bánh lọc thì dùng nước mắm mặn nguyên chất, không pha. Giá cho mỗi phần bánh dao động từ 30.000 - 50.000 đồng, một số địa chỉ gợi ý là 23/177 Phan Đình Phùng, 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm... Nếu không có thời gian, du khách có thể thưởng thức các món ở khu ẩm thực chợ Đông Ba.
Du khách có thể chọn món cơm hến làm bữa tối. Cơm hến là sự pha trộn của nhiều nguyên liệu dân dã, nhưng các công đoạn làm ra nó khá phức tạp. Hến phải bắt ở cồn Hến nổi trên sông Hương, thuộc địa phận làng Cồn, phường Vĩ Dạ. Nguyên liệu quan trọng để tạo thành tô cơm hến là rau sống, gồm môn bạc hà, bắp chuối xắt mỏng, rau má, khế và rau thơm thái nhỏ.
Nhiều du khách không quen ăn ruốc sống sẽ thấy món này khó ăn, song vẫn nên thử để trải nghiệm hương vị đặc biệt này. Ngoài cơm hến, có thể chọn bún hến, mì hến, cháo hến. Một tô có giá từ 7.000 - 10.000 đồng, du khách có thể ghé một số quán tại 64/7 Ưng Bình, 28 Phạm Hồng Thái, 17 Hàn Mặc Tử... Bí quyết từ người dân địa phương: ăn cơm hến nêm nếm thêm ruốc, ăn bún hến thì thêm nước mắm ngọt, chắc chắn sẽ giúp món ăn ngon hơn.
Sau một ngày thưởng thức các món mặn, buổi tối du khách có thể đi dạo bộ quanh thành phố và thưởng thức chè Huế. Trong những loại chè khác nhau như long nhãn hạt sen, chè xanh đánh, chè thập cẩm, chè đậu đỏ, chè khoai môn.... thì chè bột lọc heo quay là loại lạ nhất. Một sự kết hợp giữa mặn và ngọt, khiến du khách đến đây ai cũng thấy tò mò muốn thưởng thức. Vị ngọt của đường phèn và nhân mặn của heo quay tạo nên nét riêng biệt, có lẽ vì thế mà xưa kia nó đã từng được dùng để tiến vua. Các quán chè mở cửa đến khoảng 22h, mỗi ly chè có giá 10.000 - 15.000 đồng. Một số địa chỉ gợi ý là 29 Hùng Vương, Công viên Thương Bạc, 10 Nguyễn Sinh Cung.
Thành phố Huế thanh bình, cuộc sống chậm rãi nên hầu hết hàng quán sẽ đóng cửa sớm. Nếu đêm khuya du khách đói bụng, có thể tìm đến một số hàng ăn đêm bán đến khoảng 1h - 2h sáng như bánh mì cầu Trường Tiền (nay đã chuyển về cổng Bưu điện thành phố Huế), bánh canh đường Hàn Thuyên, bánh canh cua cầu Gia Hội, phố Mai Thúc Loan.
Khi hỏi cảm nhận của nhiều du khách từng đến Huế, hầu hết đều nhận xét đồ ăn Huế "rất ngon và cay". Gần như trong mọi món ăn, đều có gia vị ớt. Có lẽ chính cái vị cay xè của ớt đã kích thích vị giác người ăn, nên cảm thấy vừa ngon, lại vừa phải xuýt xoa.
Ngân Dương
Giải chạy VnExpress Marathon lần đầu tổ chức tại Huế vào ngày 6/9/2020, lùi 5 tháng so với kế hoạch ban đầu do Covid-19. Bù lại, những ngày thu xứ Huế hứa hẹn một kỳ nghỉ du lịch kết hợp thể thao thú vị. Các runners sẽ được sải bước trên cung đường được lựa chọn kỹ lưỡng, đi qua nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nối tiếng. Người yêu thể thao quan tâm đến sự kiện có thể tìm hiểu tại đây.