Lúc 17h, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin liên quan cứu hộ bé trai bị kẹt trong cọc bêtông sau 35 m. Khoan guồng xoắn làm tơi bùn đất sẽ thực hiện đến độ sâu cuối cùng của cọc, khi không còn ma sát, lực lượng chức năng sẽ tròng hệ thống cáp nhổ cọc lên.
Theo ông Bửu, quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt. Tuy nhiên, các nhóm, tổ thực hiện giải cứu vẫn giữ tiến độ xuyên đêm, nhanh chóng tiếp cận cháu bé. Nhân lực và máy móc, thiết bị vẫn đảm bảo yêu cầu, tiến độ thi công.
"Nếu xảy ra mưa lớn, công trường sẽ được che chắn, sử dụng máy bơm, hệ thống thoát nước tự nhiên, không để ngập úng", ông Bửu nói và cho biết thêm một phương án khoan xoáy nước đang được đội cứu hộ dự phòng.
Với diễn tiến mới, việc nhấc trụ bêtông ra khỏi khu vực trong chiều nay không thể thực hiện như dự tính sáng nay. Trước đó, hồi 11h đội cứu hộ đã hoàn thành việc đóng ống lồng thép rộng 1,5 m, dài 19 m từ trên xuống, bao bọc phía ngoài cọc bêtông; chuyển sang lấy bùn đất từ hai vách lồng và cọc bêtông.
Theo phương án, khi cọc bêtông được cẩu lên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng thiết bị dò tìm chuyên dụng xác định vị trí cháu bé đang mắc kẹt, sau đó cắt ống trụ đưa nạn nhân ra ngoài. Đến nay, cháu bé đã bị kẹt trong khối bêtông gần 80 giờ.
Trưa nay, thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9, đã đến chỉ đạo lực lượng công binh hỗ trợ cứu nạn. Hôm qua, hơn 90 cán bộ, chiến sĩ công binh tinh nhuệ nhất cùng với nhiều thiết bị chuyên dụng được huy động tăng cường cho lực lượng cứu hộ tại chỗ.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình nạn nhân, thiếu tướng Triều cho biết, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ gia đình một căn nhà cùng như tìm việc làm cho vợ chồng anh Thái Văn Tấn Tài (cha của bé Thái Lý Hạo Nam, người đang mắc kẹt). Hiện, vợ chồng anh Tài không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh.
13h, xe tải chở thiết bị chuyên dụng của Bộ Xây dựng phục vụ công tác cứu hộ đã đến TP Cao Lãnh.
Trước đó hồi 5h, một ống thép lớn được cần cẩu di dời đến vị trí cọc bêtông. Dưới sự hỗ trợ của thiết bị đóng chuyên dụng, sau khoảng một giờ cân chỉnh lồng thép đã được ghim vào bùn.
Khuya 2/1, nhóm tình nguyện đến từ TP HCM đến hiện trường hỗ trợ lực lượng cứu hộ. Trò chuyện với Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, anh Trần Hoàng Hải cho biết thiết bị chuyên dụng của nhóm có khả năng nhận ra sự khác biệt nhiệt độ giữa chủ thể và môi trường. Nhóm còn đưa thiết bị dùng để thăm dò 360 độ bên trong lòng ống. Tuy nhiên, lần thăm dò đầu tiên cho thấy nước đã ở khoảng cách khá gần nên việc sử dụng các thiết bị không còn khả quan.
Trước đó, vào trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bêtông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Một số người chứng kiến cho biết, sau khi rơi vào cọc bêtông, bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.
Trưa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi công điện chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ ngành liên quan huy động mọi lực lượng, phương tiện cứu hộ và thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.
Bộ trưởng Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Xây dựng cũng được giao huy động chuyên gia, chỉ đạo lực lượng có kinh nghiệm ứng phó sự cố để hỗ trợ địa phương.
Ngọc Tài - Hoàng Nam