Theo Redmondpie, khoảng 220.000 tài khoản iCloud có nguy cơ bị xâm nhập khi người dùng cài đặt các tiện ích, phần mềm jailbreak được giả mạo như các tweak tin cậy. Hacker đã sử dụng các biện pháp tấn công tinh vi nhắm đánh lừa, nguy trang, từ đó đánh cắp thông tin quan trọng.
Một trong những phương thức được tin tặc áp dụng là xây dựng "cửa hậu" (backdoor) cho các ứng dụng, từ đó, chụp lại tài khoản đăng nhập iCloud trên iPhone, iPad rồi gửi đến máy chủ từ xa. Những dữ liệu bị đánh cắp còn cho phép hacker xem tin nhắn iMessages, danh bạ và nhiều thông tin nhạy cảm khác.
Khi iPhone, iPad được bẻ khóa, người dùng sẽ phá vỡ hàng rào bảo mật mà Apple xây dựng. Điều này cho phép bạn cài thêm các ứng dụng ngoài, bổ sung nhiều tính năng. Theo thông tin trên Reddit, phần lớn các cửa hàng tại Trung Quốc thường bán thiết bị của Apple đã được jailbreak sẵn, bởi người dùng thích vậy. Một xác suất không hề nhỏ là những chiếc iPhone, iPad này nạp sẵn các phần mềm với mục đích xấu, có thể gây hại, mà khách hàng không hề biết.
Tại Việt Nam, nhiều người cũng hào hứng với việc bẻ khóa iPhone, iPad bởi lúc này bạn có thể làm chủ hoàn toàn được thiết bị. Trên diễn đàn hoặc các nhóm Facebook thảo luận về công nghệ, những chủ đề xoay quanh jailbreak luôn chiếm được sự quan tâm đông đảo. Với khách hàng sử dụng iPhone khóa mạng, họ thường bẻ khóa máy như một lựa chọn ưu tiên để khắc phục lỗi của iPhone "lock".
Về phía Apple, hãng khuyến cáo người dùng không bẻ khóa iPhone, iPad và từ chối bảo hành với những thiết bị này. Trong khi đó các chuyên gia công nghệ nói rằng, khi jailbreak thì bạn phải cẩn thận hơn và tránh cài các tiện ích không tin cậy, từ những kho nội dung không rõ ràng. Ngoài ra, người dùng nên kích hoạt bảo mật hai lớp cho Apple ID.