Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng chủ trương mở rộng quốc lộ 1 lên 4 làn ôtô và 2 làn hỗn hợp là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế. Quốc lộ 1 là tuyến huyết mạch Bắc - Nam hiện không đảm bảo vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, phương án đầu tư từng đoạn đường theo hình thức BOT (hợp đồng - xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và lập trạm thu phí sẽ làm tăng mức phí lưu thông, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp vận tải. Bởi nếu thiết lập tới 21 trạm thu phí đến năm 2020 thì sẽ tăng chi phí gấp 3 lần hiện nay, chưa kể mức phí sẽ tăng từ 2 đến 3,5 lần.
Lấy ví dụ hiện một xe tải trung bình đi về Bắc - Nam phải chi 1,7-1,8 triệu đồng tiền phí, sau này sẽ phải chi đến 5-6 triệu đồng, ông Chung nhận định: "Chi phí vận tải ở nước ta đang nằm trong top đầu của khu vực, cạnh tranh hàng hóa rất yếu. Nếu tăng thêm nữa khả năng cạnh tranh của ngành vận tải càng khó khăn", ông Thái Văn Chung nhận định.
Theo ông Chung, cần có giải pháp hạn chế đầu tư theo hình thức BOT mà huy động vốn bằng cách khác. Hoặc nếu quyết theo BOT thì chỉ nên giới hạn ít nhà đầu tư, để tạo ra ít trạm thu phí. Bởi với hàng chục trạm thu dày đặc trên quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng mỹ quan trên tuyến này.
Quốc lộ 1 sẽ được mở rộng 4 làn xe, có dải phân cách giữa. Ảnh: Đ.L. |
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sau khi thu phí bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải xóa trạm thu phí của nhà nước song vẫn giữ lại 30 trạm BOT, gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải. Việc nâng cấp quốc lộ 1 bằng hình thức BOT khiến nơi đây gánh 21 trạm thu phí BOT, chưa kể trạm thu tại tuyến cao tốc, mức thu tăng lên 2-3 lần càng gây bức xúc.
"Doanh nghiệp vận tải tăng giá cước thì người tiêu dùng phải chịu. 21 trạm thu phí BOT quốc lộ 1 sẽ là gánh nặng cho dân. Xã hội hóa đầu tư đường thì cũng đừng để phí đè lên đầu người dân", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
Về khía cạnh an toàn giao thông, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng, hiện nay quốc lộ 1 có 2 làn xe với lượng ôtô cả nước là 1,8 triệu, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 3,2-3,5 triệu ôtô, thì tất yếu phải mở đường. Với số phương tiện tăng lên, quốc lộ 1 mở rộng với 4 làn xe chưa chắc sẽ thông thoáng hơn, xe chạy nhanh hơn hiện nay.
"Hạ tầng nước ta thường đi sau tốc độ phát triển của phương tiện, nhà nước cần nghiên cứu kỹ đừng để người dân đóng góp nhiều mà chất lượng đường sá cải thiện không đáng kể", ông Hùng nói.
Đồng tình với kế hoạch nâng cấp quốc lộ 1 của Bộ Giao thông Vận tải, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, lại cho rằng Bộ đang khó khăn về nguồn vốn cải tạo đường, phải dựa vào dân. Khi quốc lộ được mở rộng thành 4 làn xe, có dải phân cách giữa thì sẽ không có chuyện xe khách đối đầu nhau như vụ tai nạn ở Khánh Hòa vừa qua, tốc độ lưu thông cũng tăng hơn.
"Nhà đầu tư bỏ vốn trước, người dân cần bỏ tiền để trả phí dịch vụ, doanh nghiệp được thuận lợi hơn khi lưu thông. Và quý hơn cả là bảo vệ được con người và tài sản khi tránh được tai nạn giao thông", ông Liên nói và cho rằng nếu quốc lộ 1 có tuyến đường song song mà chất lượng kém, dù không phải trả tiền thì người dân sẽ không đi. Giữa hai phương án đường chất lượng tốt, an toàn thì người dân sẽ chọn đường an toàn.
Ngày 2/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ đã xây dựng đề án nâng cấp quốc lộ 1. Dự kiến với chiều dài 1.700 km sẽ huy động xã hội hóa mở rộng 1.000 km, còn lại khoảng 700 km sẽ dùng vốn ngân sách.
Về phương án thu phí, Thứ trưởng Trường khẳng định, các tuyến đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách theo hình thức BOT thì phải thu phí hoàn vốn. Dự kiến sẽ có 21 trạm thu phí với khoảng cách theo quy định của Bộ Tài chính là cách nhau tối thiểu 70 km, không thu phí kéo dài quá 25 năm.
"Thu phí không làm khó cho doanh nghiệp, thậm chí còn tạo thuận lợi, tai nạn cũng giảm hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận định.
Đoàn Loan