Một bệnh nhân ở quận 11 vừa được Bộ Y tế công bố tối 3/6 đã nâng số quận huyện có ca nhiễm lên 21. Đây là trường hợp nằm trong chuỗi lây nhiễm tại khách sạn Sheraton liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.
Ca nhiễm này là đồng nghiệp với "bệnh nhân 6.325", ngụ ở Long An. Trước đó, sau khi phát hiện bệnh nhân Long An là hội viên nhóm truyền giáo làm việc tại khách sạn Sheraton, trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả âm tính. Thời điểm đó ca nghi nhiễm được xác định là F2.
Hiện, ổ dịch tại điểm sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng vẫn là nơi ở thành phố ghi nhận nhiều người nhiễm nhất với 266 ca. Số ca nhiễm liên quan ổ dịch này dự báo còn tăng vì 186.690 mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả.
Ổ dịch này đã gây nên ba nhánh lây nhiễm từ 20 ca trở lên, gồm Công ty Thiên Tú FN ở Bình Tân; Công ty IDS ở Tân Phú và Trường mầm non song ngữ ở quận 12. Ngoài TP HCM, 6 tỉnh miền Nam (Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu) cũng ghi nhận các ca bệnh liên quan ổ dịch này.
Để phòng chống dịch lây lan, từ ngày 31/5, TP HCM đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, với tổng cộng hơn 700.000 người.
Từ ngày 3/6, các cơ quan, đơn vị nhà nước ở TP HCM chỉ được bố trí tối đa 1/2 số lượng người lao động làm việc ở trụ sở để phòng chống Covid-19. Người lao động thường xuyên cập nhật tiến độ công việc, mở điện thoại 24/24, không ra khỏi nhà khi chưa cần thiết.
Riêng với các cơ quan, đơn vị nhà nước có trụ sở trên địa bàn quận Gò vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 (gồm UBND quận Gò vấp và UBND các phường trực thuộc và UBND phường Thạnh Lộc, quận 12) chỉ bố trí tối đa 1/3 nhân sự làm việc tại trụ sở. Số này không gồm lực lượng phòng, chống Covid-19 được huy động, và phải thực hiện nghiêm khai báo y tế khi ra vào địa bàn đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Hơn 320.000 công nhân làm việc ở 17 khu chế xuất, công nghiệp, khu công nghệ cao tại TP HCM được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Những nhà máy có từ 500 lao động trở lên được ưu tiên lấy mẫu. Việc xét nghiệm diện rộng ở khu công nghiệp phải đảm bảo an toàn cho lao động, không ảnh hưởng doanh nghiệp.
Trong khi đó, hôm qua Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng các chuyến bay từ TP Hải Phòng đến TP HCM và ngược lại, theo đề xuất của Hải Phòng cho đến khi tình hình dịch được kiểm soát. Hiện hàng không đã giảm tần suất bay từ nhiều địa phương đến TP HCM, chỉ duy trì tối đa 63 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Liên quan chiến lược vaccine, tối 3/6 thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19, tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về cơ bản, Việt Nam đã tiếp cận được số lượng này.
"Tổng số liều vaccine phòng Covid-19 Việt Nam đã đàm phán được là 170 triệu", ông Cường nói và cho biết khi đàm phán phía Việt Nam phải ký cam kết với nhà sản xuất miễn trừ trách nhiệm nếu có sự cố trong quá trình dùng vaccine; chấp nhận việc có thể hàng không được giao đúng tiến độ vì "kiểm soát tốt dịch bệnh".
Ngày 3/6, Việt Nam ghi nhận thêm 250 ca mới, gồm 19 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 231 ca trong nước, chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh và TP HCM. Trong đó 228 ca được phát hiện trong khu đã được cách ly hoặc phong tỏa.
Hôm nay là ngày thứ 10 liên tiếp Việt Nam ghi nhận hơn 200 ca nhiễm một ngày. 13 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng trong cả nước từ ngày 27/4 đến nay lên 4.956, ghi nhận ở 37 tỉnh thành. Bắc Giang vẫn là nơi phát hiện nhiều ca nhiễm nhất với 2.678 ca; tiếp đó là Bắc Ninh 951, Hà Nội 428.
Hữu Công