Mỹ ghi nhận hơn hai triệu ca nhiễm và hơn 115.000 ca tử vong, tăng lần lượt 20.653 và 981 trong 24 giờ qua. Tại hạt Yakima, bang Washington, hơn 1.100 ca nhiễm được báo cáo trong tháng 6, trong khi tổng số ca nhiễm ở hạt này khoảng 5.000. Hạt Maricopa thuộc bang Arizona cũng ghi nhận tình trạng tương tự, với 4.000 ca nhiễm trong tháng này, trong tổng khoảng 14.300 ca nhiễm. Bang Alaska tuần này ghi nhận 100 ca nhiễm mới và một ca tử vong do nCoV hôm 9/6. Đây là ca tử vong đầu tiên ở Alaska sau hơn một tháng.
Xu hướng tăng ca nhiễm mới này không đơn thuần do tăng cường xét nghiệm nCoV. Kể từ khi biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ sau cái chết của người da màu George Floyd, ít nhất 9 bang đã xác nhận số ca nhập viện do nCoV tăng, gồm Texas, California, Arizona, Utah, Arkansas, North Carolina, South Carolina, Oregon và Mississippi.
Giới chức y tế Mỹ nhấn mạnh người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát, liên quan cái chết của Floyd. Người đàn ông da màu này bị sĩ quan Derek Chauvin ghì chết hôm 25/5 sau khi bị khống chế vì liên quan cáo buộc tiêu tiền giả, dù đã nhiều lần cầu xin "tôi không thể thở". Biểu tình đã lan đến nhiều quốc gia để đòi công lý cho Floyd và đấu tranh bình đẳng chủng tộc.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần trước cho hay đang theo dõi sát các cuộc biểu tình. Covid-19 rất dễ lây lan khi trò chuyện hay thậm chí chỉ là thở và người mang nCoV có thể lây nhiễm cả khi họ không có triệu chứng. Do đó, các bác sĩ cho biết việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách càng xa càng tốt với người khác là cực kỳ quan trọng.
Giám đốc CDC Robert Redfield hồi đầu tháng này đã đề nghị kiểm tra và xét nghiệm nCoV cho tất cả những người tham gia biểu tình.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến hơn 7,4 triệu người nhiễm, hơn 418.000 người tử vong.
Mai Lâm (Theo Business Insider)