Đợt tăng giá đầu tiên
Ghi nhận của VnExpress cho thấy, ba tháng đầu năm 2022, các sản phẩm gia vị, đồ uống, sữa tăng 10-30% so với đầu năm và tăng trên 50% so với cùng kỳ 2021 trong bối cảnh sức mua giảm.
Thời điểm ấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết mãi lực bán hàng giảm tới 30%. Để kích cầu mua sắm, Chính phủ đã ra Nghị quyết giảm thuế VAT một số mặt hàng từ 10% về 8%.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cho rằng họ "không kịp cảm nhận" được mức giảm thuế này trên mỗi hóa đơn vì tốc độ tăng giá quá nhanh. Trong đó, đường, xăng, gas, dầu ăn liên tục tăng cao kỷ lục. Giá đường cuối tháng 3/2022 tăng lên 30.000 đồng một kg, xăng trên 29.000 đồng một lít, dầu ăn lên 45.000-55.000 đồng mỗi lít...
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc KIDO cho biết, giai đoạn đó, doanh nghiệp rất căng thẳng khi giá nguyên liệu để sản xuất dầu ăn tăng phi mã. Vào tháng 3, giá dầu nguyên liệu tăng kỷ lục lên mốc 1.777 USD một tấn. Đây là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử của ngành dầu ăn. "Chúng tôi vừa nhập hàng về, vài ngày sau giá dầu đã leo thang khiến chi phí sản xuất tăng cao buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán sản phẩm", bà Liễu nói.
Cùng với dầu cọ, giá sữa nguyên liệu cũng tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp sữa trong nước. 4 tháng đầu năm, giá sữa nguyên liệu hai lần lập đỉnh mới lên 5.100 euro một tấn và khu vực Nam Mỹ là 4.300 USD một tấn. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu sữa cho biết, giá sữa đã tăng 60% so với cùng kỳ 2021 nên cuối tháng 4, họ đồng loạt tăng thêm 5% giá bán ra.
Theo đại diện Vinamilk, thời điểm ấy, công ty phải tìm mọi phương án để giá sữa chỉ tăng ở mức thấp nhất. Trong đó, ngoài việc tìm nguồn nguyên liệu có giá tốt, doanh nghiệp tối ưu các chi phí không cần thiết để kìm hãm mức tăng của giá thành sản xuất.
Giá hàng hoá leo thang khi giá xăng lên đỉnh
Nhiều doanh nghiệp đã "thắt lưng buộc bụng" để giảm chi phí nhưng cuối tháng 6/2022, khi giá xăng lập đỉnh mới, lên mức cao nhất là 32.873 đồng một lít đã khiến áp lực chi phí tại doanh nghiệp tiếp tục gia tăng.
Lần này, không chỉ giá nhiều hàng hóa lên mốc mới, đồ ăn, nước uống tại các nhà hàng, quán ăn,... đã đồng loạt đi lên. Trong đó, chuỗi đồ uống Highlands Coffee tăng 10-15% ở một số sản phẩm. Trong khi các quán phở, hủ tiếu, bún bò cũng tăng 5.000-10.000 đồng một tô so với đầu năm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm hàng hóa và dịch vụ cuối tháng 7 tăng 1,18% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có mức tăng 3,81%, riêng tháng 7 tăng đến 15,27% so với cùng kỳ, cao nhất trong các nhóm hàng hóa.
Áp lực chi phí vận chuyển đẩy hàng hoá sốt giá lần ba
Từ tháng 8, khi giá xăng dầu, gas hạ nhiệt, nhưng nhiều doanh nghiệp lại gặp khó, thậm chí không có đơn hàng, người lao động thì bị mất việc, giảm thu nhập... Do đó, chi tiêu của người dân ngày càng thắt chặt khiến sức mua yếu.
Dẫu vậy, giá hàng hóa vẫn lần thứ 3 leo lên đỉnh mới, tăng thêm 5-10% so với những tháng trước. Trong đó, rau xanh, thủy hải sản tăng đột biến. Cụ thể, nhóm rau gia vị, ăn lá tăng 10% so với tháng 9. Tăng mạnh nhất là rau cải xanh, xà lách, quế lên 50.000-70.000 đồng một kg (tăng 5.000-10.000 đồng)...
Tôm sú tăng 5.000 đồng so với tháng trước, lên 300.000 đồng một kg. Mực loại 20-25 con một kg tăng 20.000 đồng lên 240.000 đồng một kg. Riêng cá bớp tăng giá gấp đôi so với cùng kỳ 2021, lên 450.000-500.000 đồng một kg (tùy kích cỡ).
Theo lãnh đạo các chợ đầu mối, nguyên nhân khiến giá các mặt hàng này leo thang là do nguồn cung giảm, thời tiết biến động thất thường. Đối với nhóm thủy hải sản, một số loại cá nuôi bị dịch bệnh nên sản lượng giảm 60-70% so với cùng kỳ 2021.
Trong khi đó, giá xăng lúc này đã liên tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất năm nhưng theo các doanh nghiệp vận tải, họ rất khó giảm chi phí vận chuyển vì nhiều loại chi phí khác ngoài xăng vẫn tăng đột biến.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, cho rằng hầu hết doanh nghiệp vận tải đều phải gồng sau 3 năm bị bào mòn bởi đại dịch Covid-19. Trong cấu phần giá vận chuyển hàng hóa, xăng chiếm 35% còn lại là chi phí nhân công, khấu hao xe, quản trị... Tuy xăng giảm, các loại chi phí kia vẫn tăng cao nên các công ty khó điều chỉnh giá vận tải.
Hàng hoá lập đỉnh cuối năm do lãi suất, nguyên vật liệu tăng
Để kích cầu tiêu dùng cuối năm, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm tới 100%. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm giảm tập trung vào đồ gia dụng, thời trang, còn nhóm hàng thiết yếu vẫn ngược dòng lập đỉnh giá mới lần thứ 4 trong năm. Trong đó, rau xanh, thực phẩm tươi sống tăng 10-15%, thủy sản nuôi tăng 30% và nhiều loại trái cây tăng 50% so với tháng trước đó.
Với nhóm nước giải khát và bia, nhiều đại lý cũng đã điều chỉnh thêm 2.000-15.000 đồng một thùng bắt đầu từ 1/12. Các mặt hàng khô và nhập khẩu, đại diện một hệ thống siêu thị ở TP HCM cho biết, đa phần doanh nghiệp xin điều chỉnh tăng giá cho giai đoạn ký hợp đồng mới. Trong đó, các nhóm đồ khô phục vụ làm quà Tết Nguyên đán 2023 tăng 5-15% so với tháng trước.
Nhóm bánh kẹo không tăng cao nhưng so với cùng kỳ 2021, sản phẩm này vẫn tăng 5-10%.
Đại diện Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP HCM cho rằng với những nhóm hàng thiếu nguồn cung, việc tăng giá là khó tránh. Đặc biệt, với những nhóm hàng thuộc nhóm chăn nuôi, trồng trọt, để tạo ra sản phẩm phải có thời gian. Do đó, nhóm này khó có thể quay đầu giảm trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán.
Riêng với nhóm nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu cho hay, ngoài việc chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng, giá USD tăng, họ còn chịu ảnh hưởng khi các chi phí sản xuất leo thang.
Đồng quan điểm, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt chia sẻ, giá trứng thời gian qua tăng cao không những chịu tác động từ nguồn cung, giá nguyên liệu mà các chi phí đầu vào như bao bì, nhân công liên tục tăng.
Cách nào hạ nhiệt giá hàng hoá?
Với mong muốn giữ giá hàng hóa, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vay vốn và lãi suất, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để họ giảm thiệt hại trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế chung.
Để tăng cường nguồn cung, bình ổn thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết cũng sẽ rà soát lại các vùng nuôi trồng nhằm ổn định giá hàng hóa, nông sản trong nước. Trong đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước thời gian tới.
Bộ Tài chính cũng vừa đề nghị các đơn vị trong ngành bám sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá trong bối cảnh khó lường. Dự báo năm 2023, giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu thiết yếu có thể còn nhiều biến động phức tạp.
Trên thế giới, giá nguyên liệu đầu vào vẫn leo thang. Dự báo của Goldman Sachs cho thấy, giá hàng hóa sẽ tăng 43% vào năm 2023 do thiếu hụt nguồn cung. Trong đó, giá dầu Brent có thể tăng lên 105 USD một thùng trong quý IV/2023, tăng từ mức 82 USD một thùng hiện nay.
Thi Hà