Nhiều "cây đa, cây đề" của làng nghệ thuật Việt Nam đã nằm xuống trong năm 2014. Trong lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc, mở đầu là sự ra đi của Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh. Ông Củng trong phim Vợ chồng anh Lực trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội sáng 12/4, ở tuổi 87, sau khoảng 20 ngày nằm viện. Vài năm trước đó, ông từng ngã gãy xương đùi và năm 2012 bị nhồi máu cơ tim, chỉ nằm được trên giường mà không thể di chuyển từ đó.
Hơn một tháng sau khi Trịnh Thịnh mất, nhạc sĩ Thuận Yến cũng từ giã cuộc đời ở tuổi 83. Tuổi già, sức yếu, lại bị bệnh hen nặng trong nhiều năm nên khi lên cơn khó thở, ông đã không thể ở lại cùng vợ con.
Hồi tháng 5, nhạc sĩ Thanh Bình qua đời ở tuổi 82. Đến tháng 8, người hâm mộ lại mất thêm nhạc sĩ Xuân Giao. Trước khi trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở tuổi 88, Xuân Giao từng trải qua thời gian dài chống chọi với bệnh tật, từ mổ túi mật đến ba lần bị tai biến, cuộc sống của ông trước khi mất rơi vào trạng thái thực vật.
Cũng vì bệnh tật, ca sĩ Giang Tử ra đi ngày 16/9, hưởng thọ 70 tuổi. Những năm cuối đời, sức khỏe của ông không được tốt và bị chẩn đoán là ung thư vòm họng. Nhưng do tiếp tục đi hát, bệnh của ông diễn biến ngày một nặng hơn.
Năm qua cũng chứng kiến sự ra đi của bốn tên tuổi lớn trong làng văn học nghệ thuật là Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức và Bùi Ngọc Tấn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng mất ngày 13/2, thọ 82 tuổi; nhà văn Tô Hoài mất ngày 6/7, hưởng thọ 95 tuổi. Tháng 8, nhà văn Anh Đức qua đời do tuổi cao sức yếu ở tuổi 79. Những ngày cuối năm 2014, bạn đọc lại phải nói lời vĩnh biệt nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Tác giả Biển và chim bói cá qua đời tại nhà riêng ở Hải Phòng, sau những năm tháng chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 81 tuổi.
Bệnh tật, tuổi già khiến các nghệ sĩ phải ra đi, theo lẽ trời. Tuy nhiên, khoảng trống để lại là khó khỏa lấp, bởi những cống hiến lớn lao của họ với nền nghệ thuật nước nhà.
Đối với điện ảnh, NSND Trịnh Thịnh có một vị trí quan trọng. Bộ phim đầu tay ông đóng cũng là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt Nam - Chung một dòng sông. Dấu ấn của ông để lại trong hàng loạt bộ phim khác như Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực, Lá ngọc cành vàng, Lời nguyền một dòng sông, Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ, Xích lô, Cửa hàng Lopa, Cầu thang nhà A6, Thiên đường của ông nội... và bộ phim cuối cùng Tết này ai đến xông nhà (2002).
Dù vai hài hay vai bi, Trịnh Thịnh đều toát ra chất riêng, và dù có cười thì đó cũng là cái cười được khai thác từ tâm lý, nội tâm nhân vật chứ không phải tiếng cười mua vui. Đám tang ông, lớp nghệ sĩ kỳ cựu của điện ảnh và truyền hình Việt Nam như NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Phạm Bằng, Minh Vượng, Minh Châu, nghệ sĩ hài Văn Toản... tề tựu đông đủ.
Trong âm nhạc, Thuận Yến, Xuân Giao, Thanh Bình đều là những cây bút tài hoa. Mỗi người có vị trí riêng trong lĩnh vực mà họ theo đuổi và cống hiến. Với Thuận Yến, đó là dòng nhạc đỏ và nhạc nhẹ. Thuận Yến sinh năm 1932 ở Duy Xuyên, Quảng Nam, hoạt động văn nghệ quân đội từ năm 17 tuổi. Những trang sử hào hùng một thời của dân tộc cũng gắn liền với hàng loạt ca khúc của ông như Màu hoa đỏ, Đi trong hương tràm, Bác Hồ một tình yêu bao la, Mỗi bước ta đi, Gửi em ở cuối sông Hồng, Miền Trung nhớ bác, Con gái mẹ trở thành chiến sĩ… Bên cạnh đó là các sáng tác nhạc nhẹ như Chia tay hoàng hôn, Trái tim lang thang, Tình yêu không lời... Những ca khúc này, qua giọng hát Trần Thu Hà hay Thanh Lam - con gái Thuận Yến - từng được coi là “miếng ngon tinh thần” cho thế hệ 7x, 8x nhờ hơi thở hiện đại cũng như sự nồng nàn, cháy bỏng và ý nghĩa trong giai điệu, ngôn từ.
Nhớ về Xuân Giao, người hâm mộ sẽ nhớ đến các ca khúc thiếu nhi như Em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà, Múa cho mẹ xem, Em yêu thủ đô… - những bài học vỡ lòng về cuộc sống, tình yêu thương cho nhiều thế hệ nhi đồng Việt Nam vào mỗi buổi đầu đến trường. Bên cạnh đó là các ca khúc góp phần không nhỏ vào việc động viên, khích lệ tinh thần chiến sĩ trong những năm kháng chiến cứu nước, với Cô gái mở đường, Chào sông Mã anh hùng, Bài ca biên phòng hay Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh.
Trong khi đó, nhạc sĩ Thanh Bình để lại hàng loạt tình khúc nhạc vàng ra đời trong giai đoạn 1954 - 1975 như Những nẻo đường Việt Nam, Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Còn nhớ hay quên, Ðừng đến rồi đi, Gặp gỡ duyên nhau, Mưa qua sông, Bông súng đồng quê, Thương nhau hát lý qua cầu... Tuyệt phẩm Tình lỡ của ông được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam từ Khánh Ly, Ánh Tuyết... cho tới Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng... thể hiện.
Khán thính giả cũng sẽ khó quên giọng ca bolero Giang Tử với Hàn Mặc Tử, Yêu người như thế đó, Cô hàng xóm, Chuyện đêm mưa, Đập vỡ cây đàn, Căn nhà ngoại ô... Thập niên 1960 - 1970, trong nước, tên tuổi của Giang Tử được sánh ngang với Giáng Thu, Hương Lan, Trang Mỹ Dung, Yến Linh...
Trong làng văn học, sự ra đi của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Bùi Ngọc Tấn để lại mất mát lớn trong lòng độc giả. Với Tô Hoài, gần 70 năm hoạt động, đóng góp cho văn học, ông để lại hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận. Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp. Tô Hoài viết sung sức. Trang viết của ông thể hiện năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, sự am hiểu đời sống, phong tục các dân tộc. Lối hành văn giàu hình ảnh, biến đổi nhịp điệu linh hoạt.
Nếu Tô Hoài sinh ra tại Hà Nội, các trang viết của ông gắn với miền núi phía Bắc và mảnh đất thủ đô nghìn năm văn hiến, thì Nguyễn Quang Sáng sinh trưởng tại miền Nam, các trang viết gắn bó với đời sống vùng đất Nam Bộ. Ông để lại nhiều tác phẩm văn xuôi như Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Câu chuyện bên trận địa pháo, Bông cẩm thạch, Mùa gió chướng… Chiếc lược ngà là một tác phẩm tiêu biểu cho văn học thời chống Mỹ của Nguyễn Quang Sáng, được đưa vào giảng dạy trong trường học phổ thông. Các trang viết của Nguyễn Quang Sáng thể hiện khiếu quan sát và khả năng nắm bắt chi tiết cuộc sống. Cách kể truyện của ông giản dị, mang đặc trưng của người Nam Bộ nhưng lại đưa ra nhiều chi tiết dữ dội. Không chỉ viết văn xuôi, Nguyễn Quang Sáng còn viết nhiều kịch bản phim như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng...
Một cây bút khác để lại những tác phẩm đậm đà hương sắc về cảnh vật và con người của vùng đất phương Nam là nhà văn Anh Đức. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Một truyện chép ở bệnh viện (chuyển thể thành phim Chị Tư Hậu với diễn xuất của NSND Trà Giang), Hòn Đất (được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Sứ), Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Cái bàn bỏ trống, Miền sóng vỗ, Bức thư Cà Mau, Giấc mơ ông lão vườn chim, Đứa con của đất…
Nhà văn Hải Phòng, Bùi Ngọc Tấn, ra đi để lại những trang viết sắc sảo, đậm tính hiện thực xã hội. Độc giả biết tới Bùi Ngọc Tấn qua nhiều tác phẩm như tập truyện Những người rách việc (1996), Rừng xưa xanh lá (2004), tiểu thuyết Biển và chim bói cá (2009), các tác phẩm Mùa cưới, Đêm tháng 10, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Nguyên Hồng thời đã mất, Một ngày dài đăng đẳng... Biển và chim bói cá của ông được trao tặng giải thưởng Henri Quefenlec tại Liên hoan sách và biển diễn ra tại Pháp năm 2012.
Các "cây đại thụ" của văn học đã về với các bậc tiền nhân, nhưng lưu lại với hậu thế là nụ cười lấp lánh tinh anh của Tô Hoài; là tiếng cười rộn ràng đậm chất Nam Bộ của Nguyễn Quang Sáng; vẻ hiền lành, giản dị của Bùi Ngọc Tấn, cùng những tác phẩm ở lại trong lòng độc giả hôm nay và mai sau.
Hoàng Thanh Hiền