Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn. Ảnh: AFP |
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn dự báo, năm 2009 "rất đen tối" và có thể còn xấu đi nhiều, nếu các chính phủ không hành động hiệu quả để ngăn chặn khủng hoảng, bất chấp nền kinh tế lớn hay nhỏ.
"Dự báo của chúng tôi cho năm 2009 rất xấu, nhưng còn có thể xấu hơn, nếu các gói kích thích tài khóa không được thực hiện tốt", ông Strauss-Kahn nói, và cũng cho rằng, suy thoái sẽ diễn ra ở các nền kinh tế phát triển, và kéo tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi chậm lại. "Các chính phủ có nhiều biện pháp, nhưng tôi e là chưa đủ mạnh", ông nói thêm.
IMF đã kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu thực hiện các gói kích thích kinh tế trị giá 2% GDP thế giới, vào khoảng 1.200 tỷ USD.
Thống đốc ngân hàng trung ương Tây Ban Nha Miguel Angel Fernandez Ordonez còn tỏ ra bi quan hơn, khi cho rằng thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện chưa từng thấy kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. Theo ông Ordonez, thị trường cho vay liên ngân hàng chưa hoạt động hiệu quả, khiến cho các hoạt động kinh tế của người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngân hàng đều bị đóng băng.
Trước cuộc suy thoái ngày càng lan rộng, chính phủ các nước liên tiếp đưa ra biện pháp mới. Tổng thống đắc cử của Mỹ Barack Obama đã cam kết tạo ra 500.000 việc làm để tái khởi động nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phó tổng thống đắc Joseph Biden cũng khẳng định, đội ngũ lãnh đạo kinh tế của ông Obama đang lên kế hoạch thực hiện một gói kích thích kinh tế nữa, với giá trị có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
"Chúng tôi đang tận dụng những gì có thể làm nên một gói kích thích kinh tế với 2 mục đích. Một là ngăn chặn việc mất việc làm và thứ hai, tạo ra thêm việc làm. Cùng với đó là tiếp tục tạo thanh khoản cho thị trường tài chính", ông Biden nói.
Nhật cũng vừa có thêm hành động để vực dậy nền kinh tế, bằng việc lên kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa 2009 cao kỷ lục, 88.550 tỷ yen (1.010 tỷ USD), tăng 6,6% so với năm nay. Ngân sách tăng mạnh cho thấy phản ứng khẩn cấp của chính phủ của Thủ tướng Taro Aso trước việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng rơi vào suy thoái kéo dài.
Tại châu Âu, chính phủ Ireland vừa thông báo dùng 5,5 tỷ euro (7,6 tỷ USD) để tái cấp vốn cho 3 ngân hàng lớn nhất nước này là Anglo Irish, Bank of Ireland và Allied Irish Banks. Động thái này được đưa ra sau khi chủ tịch kiêm tổng giám đốc của ngân hàng Anglo Irish trong tuần trước thông báo không thể thu hồi các khoản nợ trị giá 87 triệu USD và nộp đơn từ chức.
Thu Nga (theo AFP)