Cuộc sống không phải toàn màu hồng với các đại gia. Họ cũng có thể ngã ngựa bất cứ lúc nào trong thời điểm kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, trước khi ngã thì vài người kịp nhanh tay giấm dúi một ít dưới chân giường. Một ví dụ tiêu biểu là Richard Fuld (trái), cựu CEO Ngân hàng Lehman Bros. Khi Lehman phá sản hồi tháng 9, người ta vẫn thấy Kathy Fuld (phải), vợ Richard Fuld ngày ngày vung hàng đống tiền vào những cửa hiệu sang trọng bậc nhất thế giới. Chồng của bà ta, ông Richard, mặc dù chịu trách nhiệm về vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, vẫn kịp giắt lưng nửa tỷ USD gọi là “tiền bồi thường” cho 15 năm làm việc tại ngân hàng. Ảnh: Wire Images |
Ai cũng biết các tập đoàn ôtô Mỹ đang bên bờ vực phá sản, từ lãnh đạo cấp cao đến công nhân có nguy cơ trắng tay. Tuy nhiên, hồi tháng 11 khi kéo nhau đến Washington xin xỏ tiền cứu trợ từ chính phủ, các đại gia này bước xuống từ những chuyên cơ riêng đắt tiền nhất, hay ôtô chạy bằng công nghệ hybrid hiện đại nhất. Dân chúng nhìn vào cũng đủ biết hiểm họa phá sản đang gay go đến mức nào. Ảnh: Getty Images, AP |
Tập đoàn Countrywide Financial, nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ đã có một năm vô cùng tồi tệ khi mất tới 704 triệu USD. Nhưng trong con số này có tới 140 triệu được tuồn về tư gia Angelo Mozilo, người sáng lập và cũng là CEO của tập đoàn. Các nhà chức trách đang điều tra nguồn gốc của số tiền. Đáng lẽ Mozilo đã ít gây chú ý với dư luận nếu như ông ta biết cách sử dụng email tốt hơn. Khi nhận được email của một khách hàng tên là Bailey, Mozilo định forward cho một người khác trước khi thêm bình luận cho cái email trên một câu là “thật ghê tởm”. Thế nhưng thay vì click “forward” ông ta lại click “reply” cho chính Bailey. Ảnh: Getty Images |
Wong Kwong Yu gây ấn tượng với thành tích vươn lên trở thành người giàu nhất ở đất nước 1,3 tỷ dân. Là đồng sáng lập và cũng là Chủ tịch tập đoàn bán lẻ đồ điện tử lớn nhất Trung Quốc Gome Wong, anh ta có trong tay 6 tỷ USD. Thế nhưng tháng trước, nước này bị sốc khi chính quyền bắt giữ tỷ phú 39 tuổi với tội danh thao túng giá cổ phiếu. Cổ phiếu của tập đoàn lập tức bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong. Ảnh: Getty Images |
Jerome Kerviel không hề giàu, nhưng đã gây ra tổn thất khổng lồ cho Ngân hàng lớn thứ hai nước Pháp Societe Generate. Là nhân viên tại đây, Kerviel thâm nhập vào ngân hàng từ bên trong, dùng vốn của ngân hàng để kinh doanh cổ phiếu. Anh ta cũng thành công được một chút, nhưng bị phá sản vào tháng 1/2008, khiến ngân hàng mất 7 tỷ USD. Các nhà điều tra tìm ra một lỗ hổng an ninh trong hệ thống mạng mà Kerviel đã dựa vào để phạm tội. Ảnh: Getty Images |
Stephen Schwarzman, CEO của hãng đầu tư Blackstore đã xây dựng nghệ thuật tiêu tiền bậc nhất. Khi nguồn vốn của hãng này đã bốc hơi tới 80%, Schawarzman vẫn hào phóng chi ra 3 triệu USD cho sinh nhật lần thứ 60. Khách hàng đến dự tiệc được đãi món tôm hùm và thịt bò phi lê magnon, thậm chí còn được thấy chân dung toàn thân của chính mình treo dọc hành lang. Khi được hỏi lí do vung tay quá trán, Schwarzman nói: “Cuộc sống đang trôi đi vùn vụt đối với tôi. Và mỗi ngày còn lại nên là một ngày đáng sống”. Ảnh: Getty Images |
Trong khi CEO của AIG tình nguyện chỉ nhận lương 1 đôla trong tình hình kinh tế suy thoái thì John Thain, CEO của Ngân hàng Merill Lynch, người nên chịu trách nhiệm về 8 tỷ USD thua lỗ, lại khăng khăng đòi tự thưởng 10 triệu USD. Thain lý luận mình đã giúp ngân hàng thoát nguy cơ phá sản và sáp nhập với ngân hàng Mỹ. Chỉ sau khi dư luận chú ý và chỉ trích lời đề nghị vô lý này, John Thain mới chịu bỏ cuộc.Ảnh: Getty Images |
Các luật sư thường cũng kiếm khá nhưng không ai giàu cự vạn. Câu nói này phải loại trừ trường hợp của Marc Dreier (phải), chủ một hãng luật có 250 nhân viên tại New York. Ông ta có nhiều căn nhà ở khu thượng lưu Manhattan, Hamptons và Santa Monica. Đồ chơi ưa thích của Dreier bao gồm chiếc Aston Martin và du thuyền dài gần 40m. Ông ta giao du với toàn nhân vật cỡ bự. Để xoay tiền cho tất cả những thú vui xa hoa này, Dreier đã biển thủ 380 triệu USD của các nhà đầu tư bằng giấy tờ giả mạo. Khi vụ việc bị phanh phui vào tháng 12, hãng luật của Dreier bị phá sản, và bản thân ông ta bị tống giam. Tuy đã tốt nghiệp trường luật Harvard nhưng ông cũng không thể nào bào chữa được cho tội lỗi của mình, và đành phải dùng tới biện pháp cuối cùng là van nài. Bí lời, luật sư của Dreier kêu gọi chủ tọa: “Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp. Sự thật nằm bên trên tầm hiểu biết của chúng ta”! Ảnh: Wire Images, Getty Images |
Ông chủ của hãng đầu cơ tài chính Bayou Group ở Mỹ, Samuel Israel III, bị kết án năm 2005 vì tội lừa đảo 450 triệu đôla của khách hàng. Tháng 6 vừa rồi, ngay trước khi phải thi hành án, ông ta biến mất. Xe của Samuel được tìm thấy gần cầu Hudson với dòng chữ: “Tự tử không hề đau đớn” viết trên mặt kính đầy bụi. Tất nhiên là sự “tự tử” này chẳng đau chút nào, vì đây chỉ là một mánh khóe để lừa các nhà điều tra. Chỉ sau 1 tháng lẩn trốn, Samuel đã phải ra trình diện dưới dự áp tải của mẹ mình. Ảnh: Marshall's Service |
Không thể không nhắc đến cú lừa ngoạn mục trị giá 50 tỷ USD mang tên Bernard Madoff, cái kết hoàn hảo cho một năm đầy những lừa đảo dối trá. Trong ảnh Madoff đang đi bộ về nhà ở Lexington. Madoff đã thú nhận với các con trai rằng toàn bộ công việc kinh doanh kéo dài hàng thập kỷ qua chỉ là một hệ thống lừa đảo, lấy tiền nhà đầu tư đến sau trả lãi cho nhà đầu tư đến trước. Hàng trăm người vì ông ta mà lâm vào cảnh khốn cùng, thậm chí đến nỗi phải tự tử, còn Madoff hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ lời biện hộ nào. Ảnh: Getty Images |
Thanh Bình (theo Newsweek)