Nhóm tài sản thế chấp là ôtô của Phương Trang và các đối tác hiện nằm rải rác tại các tỉnh Đà Lạt, Nha Trang… và không thể đưa vào sử dụng vì giấy chứng nhận sở hữu xe do nhà băng nắm giữ. Doanh nghiệp không thể làm các thủ tục đăng kiểm, đăng ký tuyến, bến để đưa vào vận hành theo đúng quy định của ngành giao thông. Hàng trăm ôtô này đã hoàn tất thủ tục công chứng thế chấp, có đăng ký giao dịch đảm bảo từ năm 2011. Nhóm tài sản này từng được CB xác định trị giá 239 tỷ đồng, số tiền vay được đảm bảo bằng tài sản là 192 tỷ đồng.
Kể từ năm 2012, Phương Trang gửi đơn thư cầu cứu và tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng, cao nhất là Chính phủ về việc CB "gian dối dư nợ" của doanh nghiệp lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, tất cả các tài sản thế chấp, trong đó có ôtô đều phải án binh bất động.
Trong các biên bản đối chiếu nợ vay giữa doanhh nghiệp và ngân hàng, có sự chứng kiến của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước được lập vào ngày 17/10/2013, Phương Trang đề xuất phương án đổi tài sản bảo đảm khoản vay bằng tiền. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ nộp tiền mặt vào một tài khoản phong toả tại Ngân hàng CB tương đương với giá trị tài sản đảm bảo để giải chấp. Cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, doanh nghiệp sẽ dùng số tiền này để tất toán nợ vay. Tuy nhiên, cho đến năm 2015, các giải pháp đảo chấp đều chưa thể thực hiện được.
Mới đây nhất, ngày 19/5/2016, CB có công văn gửi cho Phương Trang bàn về hướng xử lý nợ. Công văn ghi rõ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm tra các tài sản đảm bảo của Phương Trang và các đối tác thành viên có bị kê biên hay không? Nếu không thuộc diện bị kê biên thì chủ động xử lý dần tài sản, cụ thể là hơn 200 ôtô.
Ngày 13/6, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang, Phạm Đăng Quan cho biết: “Dù 211 ôtô bị Ngân hàng Xây dựng giam lỏng 4 năm nay đã gỉ sét và thành sắt vụn nhưng chúng tôi vẫn chấp thuận phương án hoán đổi bằng sổ tiết kiệm”.
Theo ông Quan, sở dĩ doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền để xử lý những ôtô đang trong tình trạng phế liệu vì muốn tạo tiền đề làm cơ sở thu hồi dần khối tài sản đang bị giam lỏng về. Hiện nay, trong tổng số 14.500 tỷ đồng tài sản Phương Trang thế chấp tại CB (được định giá tại thời điểm vay vốn), chỉ có khoảng 200 tỷ đồng là ôtô các loại, còn lại là các quyền sử dụng đất (có sổ đỏ) và trái phiếu (dự án bất động sản) chiếm đến 98% giá trị tài sản.
Ông Quan giải thích, Phương Trang mong muốn khối tài sản của mình ngày càng tăng trưởng về quy mô và giá trị nên doanh nghiệp mới chọn phương án thế chấp để vay vốn làm ăn. Tuy nhiên, bên cạnh việc bị kê khống các khoản vay, các tài sản bị giam lỏng trong 4 năm qua đã khiến doanh nghiệp gần như "cụt mất một cánh tay". Ôtô đã thành sắt vụn và các khu đất cỏ hoang mọc đầy, không thể đầu tư xây dựng, khai thác, sang nhượng gì được. “Tôi hy vọng cuộc họp ngày 14/6 có thể gút được phương án giải chấp lần lượt các tài sản để doanh nghiệp giảm bớt những thiệt hại”, ông Quan nói.
Trong khi đó, trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng CB cho biết: "Từ khi ban lãnh đạo mới tiếp nhận ngân hàng, CB chỉ tiến hành kiểm tra, hạch toán chủ yếu dựa trên sổ sách, còn tài sản đảm bảo thì Phương Trang vẫn sử dụng bình thường, chúng tôi không quản lý".
Vị này cho hay, về giá trị tài sản đảm bảo, việc định giá không quan trọng bằng việc hai bên hợp tác cùng tìm cách xử lý nợ (trả tiền mặt). Bởi định giá chỉ mang tính tương đối, có thể biến động qua từng giai đoạn, mặt khác, cũng rất khó để thanh lý được. "Đây là nhóm nợ khá phức tạp, cần phải có sự vào cuộc và hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước chứ bản thân ngân hàng khó xử lý được", ông nói.
Tuy nhiên, có một điểm mâu thuẫn về quyền tài sản đã tồn tại nhiều năm trong vụ tranh chấp này. Đó là Phương Trang khẳng định không thể khai thác các tài sản đang thế chấp và bị giam lỏng tại CB, nhưng lãnh đạo nhà băng lại tuyên bố doanh nghiệp vẫn sử dụng bình thường. Cụ thể là các quyền sử dụng đất của doanh nghiệp và những đối tác đang bị phong toả từ năm 2013 đến nay. Ngân hàng Đại Tín (tên cũ của CB) đã gửi công văn cho nhiều nơi khẳng định các bất động sản của doanh nghiệp đang là tài sản thế chấp của ngân hàng. Mọi hoạt động làm thay đổi mục đích sử dụng, thay đổi hiện trạng, đầu tư thêm vào tài sản mà không có sự đồng ý của ngân hàng đều là vi phạm hợp đồng thế chấp.
Sự bất nhất về dư nợ và số tiền vay thực nhận giữa Ngân hàng Xây dựng và Phương Trang cũng như giải pháp xử lý tài sản thế chấp đã kéo dài từ năm 2012 hứa hẹn sẽ tìm ra giải pháp thoả đáng trong cuộc họp ngày 14/6 hôm nay.
Nguyên nhân của những tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo triền miên là doanh nghiệp khẳng định không vay, không nhận hơn số tiền 3.436 tỷ đồng và bị quản thúc tài sản trái phép. Còn ngân hàng lại công bố Phương Trang đang có nợ gốc hơn 9.400 tỷ đồng, chưa kể khoản lãi phát sinh.
Ngày 8/6, Ngân hàng Xây dựng (CB) đã phát đi thông cáo tiến hành khởi kiện Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang trả 3.000 tỷ đồng nợ xấu phát sinh từ ngân hàng "tiền nhiệm". 3.000 tỷ đồng nợ xấu này liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Xe khách Phương Trang (giai đoạn vay 2010-2011 dưới thời Ngân hàng Đại Tín - TrustBank), được nhà băng khởi kiện từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015. Đồng thời CB cho biết, từ nay đến hết năm 2016 sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.
Ngay sau thông cáo của CB, Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang cũng đã có văn bản phản pháo chính nhà băng đã im lặng trước đề nghị xử lý nợ của doanh nghiệp, khiến khối tài sản trị giá 14.500 tỷ đồng của công ty nằm "chết" từ năm 2012 đến nay.
Hà Thanh - Hoài Thu