Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, đến chiều 30/7, 70 lao động làm việc tại Libya đã về nước, 136 người còn lại sẽ về Việt Nam trước ngày 2/8. Đây là những lao động làm việc cho một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ, vì phải tạm dừng công trình do căng thẳng tại Libya leo thang nên phải rút sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó bay về nước.
Ông Quỳnh cho biết, ngoài số lao động trên, tại Libya còn hơn 1.500 người Việt đang làm việc, trong đó 200 người ở Tripoli và Benghazi. Bộ đang lên phương án sớm đưa 200 người này về nước. Số còn lại đang làm việc ở khu vực khác xa nơi giao tranh hiện nay có chỗ ở yên bình, điều kiện làm việc tốt.
Có 14 doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang Libya, nhiều nhất là Vinamex hơn 700 người và Sona trên 500 lao động.
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với đại sứ quán, cơ quan đại diện người lao động để nắm bắt tình hình. Nếu có diễn biến xấu sẽ kịp thời đưa họ về”, ông Quỳnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Vinaconex, hiện doanh nghiệp này có 100 lao động, số ít có thể ở vùng nguy hiểm, đại đa số đang làm việc ở vùng chưa xảy ra chiến sự. “Doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng khuyến cáo người lao động bình tĩnh, không di dời đến nhưng nơi nguy hiểm. Đồng thời theo dõi tình hình, lên kế hoạch cho những phương án tiếp theo", ông Hiệp nói.
Năm 2011, khi tình hình Libya bất ổn, Việt Nam đã phải đưa hơn 10.000 lao động về nước. Tháng 2/2012, sau khi tình hình quốc gia này ổn định, Bộ Lao động đã phối hợp với các Bộ, ngành thí điểm đưa lao động trở lại làm việc. Lần này điều kiện đảm bảo an toàn cho lao động được đưa vào trong hợp đồng. Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động trong thời gian làm việc, khi có bất ổn chính trị, diễn biến xấu thì phải có trách nhiệm đưa lao động về nước.
Tình hình Libya đang diễn ra phức tạp, chiến sự đang có dấu hiệu leo thang và lan rộng. Các nước có nhiều lao động tại Libya như Philippines đã yêu cầu công dân rời khỏi nước này, Thái Lan cũng khuyên lao động về nước.
Nam Phương