Uyên (Bắc Giang) cho biết, 22 tuổi rồi nhưng chị vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của bố mẹ. Mỗi khi làm gì không vừa lòng, chị lại bị những cái tát trời giáng liên tục của mẹ. “Bà cầm roi, đũa bếp, chổi đánh thẳng vào tôi. Những cái tát, những vết lằn còn in trên da làm tôi xấu hổ không dám đi làm. Hay những lúc đi chơi về muộn, sau 22h, vừa kéo cửa vào nhà là mẹ nhảy vào tát tôi xối xả...”.
Đến bây giờ khi đã đi làm, công việc ổn định, thu nhập khá, nhưng Uyên cho biết vẫn không thể nào thay đổi được cách suy nghĩ cực đoan, độc đoán của bố mẹ.
Sợ bạn bè biết được thì xấu hổ, nhưng vì quá bức xúc, Hoài Nam (19 tuổi, Hà Nội) đã chia sẻ, bước sang năm thứ 3 đại học mà mỗi lần phạm lỗi, anh vẫn bị mẹ dùng roi mây đánh đòn. Mỗi lần đánh rất lâu và đau. “Bị đòn xong mình toàn phải nằm sấp ngủ tại chỗ, vì không thể ngồi dậy. Mấy con lươn thì cả tuần sau mới hết, khiến mình đi lại rất khó khăn, không thể ngồi và tự chạy xe được, hầu hết là đi xe buýt”.
Nam cho biết, anh từng góp ý với mẹ, nhưng càng góp ý, càng bị đánh đòn, có khi còn đánh nhiều hơn trong khi anh thấy mình không hề gây lỗi gì lớn đến nỗi phải bị đòn như vậy. “Mẹ toàn nói là muốn tốt cho tôi nên mới sử dụng roi, nhưng tôi cảm thấy buồn lắm. Bạn bè tôi mà biết được là chết”.
Cùng hoàn cảnh, Lê (Vĩnh Phúc) cho biết, mỗi khi một mình, tâm trạng chị thường rất u uất. Chị kể lại, năm lớp 11, bố có bồ, chị đã tức giận cãi nhau với bố, và bị bố dùng chân tay thụi thẳng vào người, khiến nước mắt nước mũi chảy đầm đìa, mồm thì chảy máu. Chị bị nhốt trong phòng, không được đi học.
Một lần khác, chỉ vì hai bố con lời ra tiếng vào, bố Lê đã cầm dép bạt tai chị. “Hôm đó tôi bị đấm đá, mỗi lần đứng dậy lại bị bố ấn xuống giường, rồi hứng một cái tát như trời giáng. Tôi choáng váng tè cả ra quần. Người lặng đi trong những tiếng nấc và hai hàng nước mắt chảy dài”, Lê kể và cho hay sau đó bố đã ôm chị vào lòng xin lỗi. Tuy nhiên, cái tát khiến mấy tháng sau tai Lê vẫn ù đi.
Những trận đòn ác nghiệt khiến Lê tổn thương nặng nề, thậm chí còn bị "lây" ảnh hưởng bởi bố mẹ. Mỗi lần nóng tính, Lê cũng như "hóa thành con thú đánh em mình, dù thâm tâm không hề muốn thế". Hơn bao giờ hết, Lê thèm khát một gia đình yên ấm, và cũng đang cố kiềm chế mỗi khi có cơn giận với em.
Theo nghiên cứu của giáo sư Joan Durant, Canada, rất nhiều bằng chứng chứng minh trẻ thường xuyên bị đánh đòn sẽ tổn thương tâm lý lâu dài và đây là sự trừng phạt về thể chất làm cho trẻ em dễ gây hấn, chống đối hơn. Thậm chí, nó có thể gây ra suy giảm nhận thức, gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, đòn roi có thể làm giảm chất xám của não bộ trẻ ở nhiều lĩnh vực liên quan đến trí thông minh. Đánh con không chỉ biến đứa trẻ thành thành phần thích gây hấn sau này mà còn khó khăn trong phát triển các vấn đề tâm lý. Trẻ dễ bị trầm cảm và lạm dụng các chất kích thích.
Trong khi đó, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy kết quả tích cực lâu dài từ sự trừng phạt thể chất.
Theo chuyên viên tư vấn Phạm Thị Lan, hiện rất nhiều bậc cha mẹ đã chọn phương pháp “giáo dục không đòn roi”, làm bạn với con cái để hiểu và giáo dục con một cách tốt nhất. Nhưng cũng không ít bậc phụ huynh vẫn đồng tình và sử dụng phương pháp “đòn roi là chủ đạo” trong việc dạy dỗ con cái. Họ cho rằng “yêu cho roi, cho vọt” là phương pháp mang lại hiệu quả.
Trên thực tế, bất cứ một phương pháp nào cũng có tính hai mặt. Nếu không biết cách sử dụng, hoặc lạm dụng nó một cách thái quá sẽ mang lại kết quả đáng tiếc. Đa phần cha mẹ dùng roi vọt để giáo dục con, chủ yếu do không kìm chế được cảm xúc của mình. Họ thường ít khi hỏi ý kiến con về vấn đề đã xảy ra mà thường quy chụp theo suy nghĩ của mình chính vì vậy rất dễ gây ra những cảm xúc xấu. Bên cạnh đó những tác động từ bên ngoài (ví dụ người ngoài nói con hư, cha mẹ không dạy con; hoặc nói nhưng con phản kháng lại, đau ốm, bệnh tật, stress) càng làm cho việc sử dụng bạo lực để giáo dục con dễ xảy ra.
Khi thấy con có vẻ sợ hãi sau mỗi trận đòi roi, cha mẹ cho rằng đây là phương pháp hiệu quả và nên tiếp tục. Một số khác biết là không nên nhưng lúc nóng mặt quá rồi không thể kìm chế được bản thân.
Tuy nhiên, điều mà các bậc làm cha mẹ không thấy được đó là những cảm xúc, tình cảm của trẻ bị thay đổi sau mỗi trận roi vọt. Một số trẻ sẽ im lặng, chịu trận, lì đòn; một số khác sẽ nổi loạn và chống đối. Trẻ sẽ cho rằng cha mẹ không tôn trọng và thiếu hiểu biết về vấn đề của mình, điều này sẽ tạo ra cảm giác thu mình với gia đình và bố mẹ. Những trẻ bị giáo dục theo kiểu đòn roi thường có tâm lý ít thổ lộ tình cảm với bố mẹ, người thân và có xu hướng bạo lực, dễ gặp vấn đề về tâm lý trong tương lai.
Để tránh sử dụng bạo lực trong giáo dục con cái, đầu tiên cha mẹ cần học cách kìm chế cảm xúc. Sau đó là học cách để trẻ nói lên được suy nghĩ của mình về vấn đề đó, từ đấy cha mẹ mới đưa ra quyết định dùng phương pháp nào để giáo dục cho phù hợp.
Nguyễn Phượng
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.