Cảnh báo được Viện Pasteur đưa ra trong bối cảnh tỉnh Prey Veng của Campuchia, có đường biên giới với Việt Nam, ghi nhận hai ca nhiễm H5N1 độc lực cao, trong đó một ca tử vong, và một số trường hợp nghi nhiễm. Trước đó một ngày, cơ quan y tế Campuchia ghi nhận 12 ca nhiễm H5N1 và một bé gái tử vong do virus này.
H5N1 là một chủng của virus cúm A, có thể gây bệnh cho người và nhiều loài động vật khác. Đây là tác nhân gây bệnh ở nhiều quần thể gia cầm, đặc biệt tại Đông Nam Á.
TS. BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đề nghị các địa phương giám sát phát hiện trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả cơ sở y tế. Đặc biệt chú ý trường hợp có tiền sử dịch tễ từ vùng dịch, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng có dịch cúm gia cầm H5N1; phối hợp đơn vị kiểm dịch động thực vật trong nước giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khầu và qua đường mòn lối mở.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh thành phối hợp Chi cục chăn nuôi và thú y phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm, xử lý kịp thời ổ dịch.
Viện Pasteur cũng khuyến cáo giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế để xử lý kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Người dân không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang... để phòng chống bệnh.
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ghi nhận từ đầu năm ngoái, dịch cúm gia cầm đã tàn phá các trang trại trên khắp thế giới, khiến hơn 200 triệu gia cầm chết vì virus hoặc bị tiêu hủy hàng loạt.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, H5N1 thường lây lan ở các loài chim sống dưới nước như vịt, bồ nông và thiên nga. Tuy nhiên, virus cũng có thể ảnh hưởng đến gia cầm như gà, ngan, ngỗng và các loại động vật khác, kể cả con người.
Mỹ Ý