Thượng Hải (Trung Quốc)

Ảnh: China Daily.
Thượng Hải được ví là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc" với hàng nghìn công ty công nghệ đang hoạt động. Bên cạnh đó, thành phố cũng là nơi đặt nhiều trung tâm R&D của các công ty lớn, một trong những nơi có số lượng bằng sáng chế về công nghệ lớn nhất thế giới.
Toronto (Canada)

Ảnh: Csaba Pap.
Thành phố của Canada chủ yếu thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ - kết quả của các chính sách thân thiện trong việc ủng hộ người nhập cư. Toronto có một nền văn hóa đa dạng, các doanh nghiệp ở đây sẵn sàng hỗ trợ các công ty nhỏ hơn để cùng phát triển. Chính quyền Toronto cũng tạo điều kiện về hạ tầng cũng như các chương trình tăng tốc để thúc đẩy khởi nghiệp.
New York (Mỹ)

Ảnh: Forbes.
Trước năm 2010, New York thua xa Thung lũng Silicon và Boston về sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, các chính sách gần đây đã giúp New York bắt kịp nhanh chóng, bao gồm hạ tầng công nghệ cùng nguồn lao động đa dạng, có kỹ năng. Tính đến 2013, có khoảng 7.000 công ty công nghệ cao hoạt động tại New York.
San Francisco (Mỹ)

Ảnh: Robb Report.
San Francisco từ lâu là nơi tập trung các công ty công nghệ có giá trị lớn nhất trên thế giới. Thung lũng Silicon - phần phía Nam của vùng vịnh San Francisco được xem là biểu tượng công nghệ của Mỹ. Ngoài các hãng công nghệ lớn, như Google, Intel, Yahoo..., nơi đây còn có hàng nghìn công ty khởi nghiệp khác đang hoạt động.
Mumbai (Ấn Độ)

Ảnh: Times of India.
Mumbai là thủ phủ tài chính của Ấn Độ, nhưng gần đây đã chú trọng phát triển công nghệ. Chính quyền địa phương đang triển khai nhiều chính sách thân thiện để thu hút các công ty công nghệ đến hoạt động hoặc đầu tư. Lao động ở đây cũng có tay nghề cao và giá nhân công rẻ - yếu tố để các công ty quy mô nhỏ muốn khởi nghiệp với chi phí thấp.
Paris (Pháp)

Quy mô nền kinh tế liên quan đến công nghệ tại Paris đã tăng từ 1,3 tỷ USD năm 2016 lên 3,3 tỷ USD năm 2020, biến nơi đây thành một trong những thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới. Để trở thành trung tâm công nghệ của Pháp, chính quyền Paris đã có nhiều sáng kiến hữu ích. Các công ty, doanh nghiệp công nghệ cũng nhận thấy những sáng kiến này rất hiệu quả và chọn thành phố này làm nơi khởi nghiệp.
Berlin (Đức)

Ảnh: TU Berlin.
Berlin là thành phố có thứ hạng cao nhất trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở châu Âu, là nơi tập trung nhiều nhà sản xuất ôtô và từng là niềm tự hào của khu vực. Do đó, nơi đây cũng tập trung hầu hết các công ty công nghệ liên quan đến ngành công nghiệp ôtô.
Munich (Đức)

Ảnh: Waginger See.
Ngành công nghiệp công nghệ của Munich đã tăng hơn 2 lần, từ 0,3 tỷ USD năm 2016 lên 0,7 tỷ USD năm 2020. Chính sách thân thiện với công nghệ của chính phủ Đức và thu hút nhân lực công nghệ cao là lý do nhiều công ty chọn nơi đây để khởi nghiệp hoặc đặt trụ sở.
London (Anh)

Ảnh: University of London.
Nền kinh tế công nghệ của London đã tăng trưởng gấp 3 lần, từ 3,5 tỷ USD lên 10,5 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2010. Thủ đô nước Anh được coi là trung tâm công nghệ của châu Âu, vượt qua cả Munich, Berlin và Paris. London đóng vai trò là cửa ngõ vào châu Âu - đó là một phần lý do tại sao các công ty công nghệ muốn đặt trụ sở hoặc văn phòng ở đây.
Bengaluru (Ấn Độ)

Ảnh: India Briefing.
Bengaluru đứng đầu danh sách 20 thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới. Được xem là "Thung lũng Silicon của Ấn Độ", Bengaluru nổi lên là hệ sinh thái công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới kể từ năm 2016. Đầu tư công nghệ tại thành phố giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng 5,4 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 7,2 tỷ USD. Thành phố cũng được xếp hạng 6 thế giới về đầu tư mạo hiểm liên quan đến công nghệ.
Bảo Lâm (theo Insider Monkey)