Trước năm 2002, kỳ thi đại học do các trường tự ra đề, tổ chức và xét tuyển. Thí sinh đăng ký trường nào phải thi tại trường đó và không thể dùng điểm này để nộp vào trường khác.
Từ 2002 đến 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới tuyển sinh đại học bằng kỳ thi "ba chung": chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả. Thí sinh sau khi thi tốt nghiệp sẽ tham dự kỳ thi đại học. Đợt đầu dành cho thí sinh thi khối A (Toán, Lý, Hóa), sau này có thêm A01 (Toán, Lý, Anh); đợt sau là các khối khác như B (Toán, Hóa, Sinh), C (Văn, Sử, Địa), D (Toán, Văn, Ngoại ngữ).
Thí sinh được thi nhiều khối, nộp hồ sơ nhiều trường. Nhưng ở đợt thứ hai, thời gian thi khối B, C, D trùng nhau, thí sinh chỉ có thể dự thi một tổ hợp.
Năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, thường được gọi là kỳ thi "hai trong một".
Thí sinh phải làm ít nhất 4 bài thi để xét công nhận tốt nghiệp gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do tự chọn (Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học). Ngoài ra, các em có thể thi thêm một số môn để mở rộng tổ hợp đại học.
Cũng từ năm này, thí sinh không cần chọn trường trước khi thi. Sau khi có kết quả, các em mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường mà mình mong muốn. Danh sách, phổ điểm được cập nhật tạo ra những cuộc chạy đua "nộp - rút hồ sơ" từ trường này sang trường khác, có nhà thuê xe cấp cứu từ Hà Tĩnh ra Hà Nội cho kịp.
Năm 2017, kỳ thi lại thay đổi. Thí sinh phải làm ba bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) cùng một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ môn Ngữ văn, tất cả chuyển sang thi trắc nghiệm, gây tranh cãi dữ dội trong giới chuyên môn. Trong năm đầu theo cách này, điểm thi cao đột biến kéo theo điểm chuẩn có nơi lên tới 30,5 cho tổ hợp ba môn.
Năm 2018, đề quá khó, 6 trên 9 môn có điểm trung bình dưới 5. Năm này xảy ra gian lận ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khi hơn 200 thí sinh được nâng điểm.
Năm 2019, đại học được giao chủ trì chấm trắc nghiệm. Mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp, đổi tên thành "Kỳ thi tốt nghiệp THPT" vào năm 2020. Cùng đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018) có hiệu lực, cho các trường tự chủ tuyển sinh.
Việc xét tuyển sớm bằng nhiều phương thức bắt đầu được mở rộng, song song với dùng kết quả tốt nghiệp. Các trường có thể yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm.
Năm 2022, thí sinh xét bằng phương thức nào cũng phải đăng ký trên hệ thống chung để lọc ảo chung. Khi công bố phương án thi tốt nghiệp, Bộ khuyến khích đa dạng phương thức tuyển sinh đại học, nhấn mạnh những trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ nên dùng điểm thi tốt nghiệp để sơ tuyển, sau đó cần thi hoặc xét tuyển bổ sung nhằm chọn lọc thí sinh.
Sau đó, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM và Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển, nhiều đơn vị khác làm tương tự, như Bộ Công an, Đại học Sư phạm Hà Nội và TP HCM.
Gần 20 phương thức được sử dụng, như học bạ hoặc học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải thưởng, điểm thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực... Phần lớn dùng cho xét tuyển sớm, từ tháng 1 tới tháng 5, trước khi kết thúc năm học.
Năm ngoái, cả nước có 214 trường xét tuyển sớm, giúp tuyển được hơn 50% chỉ tiêu. Nhiều chuyên gia cho rằng cần khắc phục một số bất cập của xét tuyển sớm, nhưng nên để các trường tự chủ chọn thí sinh đầu vào như nhu cầu.
Năm 2025, lứa thí sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học cũng thay đổi. Số môn thi tốt nghiệp chỉ còn 4, trong đó hai môn lựa chọn phải nằm trong những môn đã được học ở lớp 12, khiến thí sinh bị hạn chế về tổ hợp xét tuyển đại học nếu dùng kết quả này.
Quy chế tuyển sinh đại học được sửa đổi theo hướng siết xét tuyển sớm, còn 20% chỉ tiêu. Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ Bộ dự kiến điểm của đợt xét sớm phải bằng đợt xét tuyển chung. Nếu tuyển bằng nhiều phương thức, đại học phải quy đổi về thang điểm chung.
Nhìn lại 20 năm qua, ông Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, nói chính sách tuyển sinh đại học thay đổi liên tục nhưng không có "thời gian chờ". Điều này khiến thí sinh, phụ huynh bị động, rối loạn thông tin.
Điểm tích cực là việc thi cử ngày càng nhẹ nhàng. Cơ hội vào đại học cũng rộng mở hơn, một phần nhờ số lượng trường đại học, ngành nghề tăng, dẫn đến chỉ tiêu tăng.
Tuy nhiên, đây là một lý do khiến tuyển sinh đại học ngày càng phức tạp và rối ren, theo GS Nguyễn Lộc, nguyên Viện phó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Ông nhìn nhận tuyển sinh trước 2014 tương đối ổn định vì số ngành học, chỉ tiêu tuyển sinh còn ít. Cầu nhiều hơn cung nên các trường tuyển khá dễ dàng, không cần cạnh trạnh nguồn tuyển.
Từ năm 2015 trở đi, các đại học cả công lẫn tư đều phát triển, mở rộng đào tạo, từ đó cạnh tranh, thậm chí vơ vét thí sinh.
Nhìn tổng thể, ông cho rằng tuyển sinh đại học đang mắc kẹt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2015, đây là kỳ thi "hai trong một" vừa để xét tốt nghiệp, vừa để tuyển sinh đại học. Từ năm 2020, kỳ thi không còn gồng gánh hai mục đích, nhưng vẫn là một cơ sở để các trường tuyển sinh.
"Kỳ thi này không đủ khả năng phân hóa, chọn lọc thí sinh cho những ngành nghề có cạnh tranh cao, buộc các trường phải suy nghĩ các phương thức xét tuyển khác và các kỳ thi riêng dẫn đến nhiều hệ lụy", ông lý giải.
Ông Lộc đề xuất tổ chức một kỳ thi đại học chung cho cả nước như cách Trung Quốc đang làm hoặc thành lập trung tâm khảo thí độc lập, tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực trong năm để các trường dùng tuyển sinh. Cùng đó, các trường có quyền tự chủ dùng các kết quả, giải thưởng, chứng chỉ khác để xét đầu vào nếu thấy phù hợp.
Ông Phùng Quán cũng ủng hộ để các trường tự chủ. Với bộ tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, ông cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể đóng vai trò hậu kiểm, giám sát việc đào tạo, siết chặt đầu ra để nâng chất lượng.
Trên thế giới hiện có hai cách tuyển sinh đại học chính. Trung Quốc, Hàn Quốc, tổ chức một kỳ thi toàn quốc (6 môn) rất gắt gao.
Còn ở Mỹ, các trường được tự chủ với nhiều đợt và xét ứng viên toàn diện (điểm, bài luận, hoạt động ngoại khóa, phỏng vấn...).
Điểm chung là độ ổn định, như kỳ thi Gaokao (Trung Quốc) hay Suneung (Hàn Quốc) đã tồn tại 60-70 năm.
Lệ Nguyễn - Dương Tâm