HĐND TP HCM vừa thông qua chủ trương xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Kế hoạch để có một công trình tầm cỡ phục vụ nghệ thuật được thành phố chuẩn bị từ 20 năm trước.
Theo hồ sơ, dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được thành lập từ năm 1993. Nhưng đến năm 1999, TP HCM mới có ý định xây tại khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1) - trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP HCM.
Đến ngày 16/12/2005, UBND TP HCM ra văn bản thu hồi và bàn giao khu đất 23 Lê Duẩn để bố trí sử dụng làm nhà hát. Tuy nhiên, địa điểm này bị cho là không phù hợp để xây công trình nghệ thuật. Thành phố bán đấu giá khu đất được 1.400 tỷ đồng. Việc xây dựng trụ sở nhà hát cũng bị ngưng suốt nhiều năm sau đó.
Năm 2012, chính quyền thành phố một lần nữa quyết tâm khởi động lại việc xây nhà hát, vị trí được chọn là trong Công viên 23 Tháng 9 - trung tâm quận 1.
Nhà hát dự kiến có tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, rộng 1,2 ha bao gồm 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ; hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành. Công trình được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão - khu đất vàng của thành phố.
Nhiều cuộc hội thảo sau đó được tổ chức, lấy ý kiến các chuyên gia, nghệ sĩ về chủ trương này. Thành phố cũng cử người đi nước ngoài học tập, tham khảo; chi tiền khảo sát địa điểm, lập bản vẽ, lên phương án thiết kế.
Tuy nhiên, chủ trương này của thành phố tiếp tục gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Các chuyên gia quy hoạch phản đối xây nhà hát giao hưởng tại khu vực ồn ào như Công viên 23 Tháng Chín. Mong muốn có một công trình phục vụ nghệ thuật của thành phố lại rơi vào im lặng.
Quyết tâm xây Nhà hát Giao hưởng
Tại kỳ họp HĐND cuối năm 2016, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Quế Trân về các công trình văn hóa phục vụ người dân, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nhìn nhận "chưa làm được nhiều".
"Hơn 40 năm chúng ta chỉ xây dựng được nhà hát Hoà Bình và một nhà hát cải lương ở đường Trần Hưng Đạo, còn lại vẫn còn nằm trên giấy", ông Phong nói.
Chủ tịch thành phố nhắc lại chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng và khẳng định đây là quyết tâm của chính quyền thành phố trong nhiệm kỳ này. Ngoài ra, thành phố còn làm các công trình văn hóa khác là: Trung tâm ca nhạc nhẹ; Sân khấu tuồng; Nhà biểu diễn xiếc để phục vụ người dân...
Đến tháng 8/2017, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu ký quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (quận 2) là địa điểm xây nhà hát. Lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ này tỏ rõ quyết tâm có công trình tầm vóc thế kỷ.
Hồi cuối tháng 9, UBND TP HCM chính thức có tờ trình gửi HĐND TP HCM xin thông qua chủ trương.
Vì sao TP HCM cần xây nhà hát 1.500 tỷ?
Theo Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm, TP HCM là đô thị văn minh, hiện đại; không chỉ là đầu mối giao lưu về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác, nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm.
Thời Pháp thuộc, thành phố có 3 nhà hát: Opera (nay là Nhà hát thành phố), Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Hiện, chỉ Nhà hát thành phố còn giá trị đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành đã xuống cấp. Những nơi này không đạt tiêu chuẩn để tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.
Ông Liêm cũng cho rằng, công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch còn nhằm đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm. Dự án cũng góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đồng thời nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố.
"Việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP HCM", ông Liêm khẳng định.
Thiên Ngôn