![]() |
Bến đò Phan Cửa Rí náo loạn. Ảnh: Thanh Niên. |
6h sáng 26/11, hơn 220 học sinh xã Hòa Phú phải qua đò sớm để kịp chào cờ đầu tuần ở THPT Hòa Đa và THPT Lê Quí Đôn. Tất cả học sinh đổ xô xuống những chiếc đò nhỏ, công suất 6-8 mã lực để qua sông.
Chiếc đò của anh Bùi Văn Phúc chở đến 23 người, có 20 học sinh (trong khi trọng tải chỉ cho phép từ 8-10 người). Ra đến giữa sông, đò va vào một chiếc tàu lớn rồi bất ngờ bị chìm.
Anh Bùi Cần lái xuồng chở hàng đi ngang qua, nhảy xuống cứu được 7 người, anh Minh cũng là lái đò ngang vớt được 5 người, bà Năm Sen đang đi chợ cứu được 3 người. Còn chủ đò Bùi Văn Phúc vớt được 2 người thì đuối sức.
UBND xã Hòa Phú thuê đội thợ lặn tìm 6 học sinh còn lại, nhưng do các em này biết bơi nên đã bơi vào bờ về nhà trốn... vì sợ. Kiểm tra danh sách tại các trường học, thấy thiếu đúng 6 em nên nguồn tin ban đầu cho là mất tích. Sự việc đã làm hoảng loạn bến đò.
![]() |
Chủ đò Bùi Văn Phúc. Ảnh: Thanh Niên. |
Tại UBND xã Hòa Phú, chủ đò Bùi Văn Phúc, 27 tuổi, khai nhận đã “cố chở các em cho kịp đi học, dù đã ngăn khoảng chục em không cho lên đò, nếu không thì số người bị chìm còn đông hơn”.
Cả bến đò chỉ có 7 xuồng nhỏ được cảng cho phép chở khách trong thời gian hai chiếc tàu chuyên chở khách bị mắc cạn do mấy hôm nay tàu vào tránh bão chật cứng cả luồng lạch bến bãi.
Ông Lê Trọng Bình, Trưởng ban đại diện phụ huynh xã Hòa Phú của THPT Hòa Đa nói, kể từ khi huyện giao cho Cảng cá Phan Rí Cửa quản lý bến đò, tình trạng đò chở quá tải liên tục diễn ra, gây lo lắng cho phụ huynh có con hàng ngày phải qua đò đi học.
Ngày 18/9/1981, tại đây xảy ra vụ chìm đò làm 9 người thiệt mạng, trong đó có chị Lê Thị Hoa đuối sức chết sau khi cứu sống được 3 người. Năm 1998, chị Hoa được Nhà nước công nhận là liệt sỹ.
(Theo Thanh Niên)