Những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có Public Citizen (Mỹ), Access Now (châu Âu), cho rằng thỏa thuận này sẽ gây lo ngại về sự cạnh tranh trên thị trường và quyền riêng tư của người dùng.
Fitbit là công ty chuyên về thiết bị đeo. Do đó, thương vụ này sẽ giúp Google nắm trong tay kho dữ liệu nhạy cảm và khổng lồ về sức khỏe cũng như các chỉ số cơ thể của khách hàng Fitbit, như cân nặng, thói quen ngủ, nhịp tim, số bước chân hàng ngày... Người dùng thường kết nối và chia sẻ thông tin này kèm vị trí địa lý lên tài khoản mạng xã hội như Facebook, Twitter.
Đại diện hai công ty cam kết dữ liệu của người dùng Fitbit "sẽ không bị sử dụng để chạy quảng cáo".
"Những kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các cơ quan quản lý phải thật thận trọng trước bất kỳ lời hứa hẹn nào liên quan đến việc sử dụng dữ liệu, được đưa ra bởi các bên tham gia sáp nhập. Họ cần tính đến tình huống rằng Google sẽ tận dụng toàn bộ kho dữ liệu nhạy cảm của Fitbit và kết hợp với dữ liệu sẵn có của mình", các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nói.
"Mục tiêu của vụ mua bán là thiết bị, không phải dữ liệu", phát ngôn viên Google cho hay. "Chúng tôi tin việc kết hợp giữa phần cứng của Google và Fitbit sẽ tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực thiết bị đeo".
Một vấn đề khác là số tiền 2,1 tỷ USD mà Google bỏ ra chỉ chiếm 19% giá trị của Fitbit tính theo giá cổ phiếu ngày 31/10/2019 - một ngày trước khi hai bên tuyên bố thỏa thuận. Do đó, Google cũng trong tầm ngắm của các cơ quan chống độc quyền châu Âu và Bộ Tư pháp Mỹ.
Mua lại Fitbit thể hiện nỗ lực của Google trong việc gia nhập thị trường thiết bị đeo thông minh nhằm đối đầu với Apple. Trước đó, hãng cũng mua lại công nghệ đồng hồ thông minh của Fossil với giá 40 triệu USD.
Minh Minh (theo Reuters)