Nhà tôi ở phố Đại La, gần phố Minh Khai (Hà Nội). Thủa còn đi học phổ thông, bọn tôi cũng hay ra chợ Mơ mua cá chọi. Có lẽ thời ấy, lũ trẻ chúng tôi cũng chả có nhiều trò để chơi nên những trò chơi thường gắn với những gì có quanh mình. Đúng như bạn Vinhtran nói, chúng tôi cũng nghĩ cá chọi chợ Mơ không chiến bằng cá chọi chợ Đồng Xuân, thế nên, có những hôm bọn tôi trốn học thêm, đạp xe lên tận chợ Đồng Xuân, Nghi Tàm để mua cá, có khi là cá chọi, có khi là cá cảnh. Mất công lên phải mua được con cá chọi được "om" kỹ, vẩy dày, đuôi dày, để khi đánh nhau không bị bong vẩy, "xù" mới đẹp.
Tàu điện bánh sắt chỉ còn một thời gian ngắn, sau đó người ta thay bằng tầu điện bánh hơi, đi nhanh hơn, êm hơn, rộng hơn nhưng khó trốn vé hơn... Nhưng thủa ấy, khi kinh tế thị trường chưa mở, mỗi khi mùa đông về, phố xá phủ đúng mầu như trong bài hát Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang, một mầu xanh xám, ảm đạm nhưng rất đẹp, giờ ánh đèn của các loại biển quảng cáo đã làm mất đi cái vẻ đẹp ảm đạm đó. Hai bên đường Đại La mỗi giờ đi học về, hàng cây bằng lăng đứng trơ trụi những cảnh đã rụng hết lá, giờ chắc cũng không còn nhiều. Bây giờ không còn ở đó, nhưng mỗi lần đi qua phố Đại La, lại thấy đâu đây mình và các bạn đang đi học, đầu đội mũ nan, chân đi giầy ba ta, bát kết.
Hè thì sơ mi, đông về bện đủ các loại áo mà vẫn rét, nhiều khi phải làm một cái hỏa lò nhỏ bằng ống bơ sữa bò để đốt than trong đó để thỉnh thoảng hơ tay cho đỡ lạnh. Rồi thì mỗi khi gần Tết, lại trốn học, đạp xe vào Bình Đà mua thuốc pháo. Biết là nguy hiểm, nhưng việc chuẩn bị làm pháo phải từ rất sớm. Góp nhặt từng tờ báo, vót que tre cho tròn, trơn để quấn vỏ pháo. Bọn tôi làm đủ loại pháo, từ pháo tép, pháo đùng, pháo cối, pháo nhị thanh và cả pháo ném. Giờ nghĩ lại thấy nguy hiểm, nhưng lại vui. Giờ bạn bè, mỗi đứa một nơi, có người thì không còn nữa.
Nhớ ngày 20/11, cả lớp lại rủ nhau đi kiếm tiền. Bọn con trai thì chia làm hai nhóm, một thì mang bơm xe rải từ Giáp Bát đến tận công viên Lê Nin để bơm xe đạp (thời ấy xe đạp là chủ đạo, bơm xe cũng kiếm được kha khá tiền), nhóm còn lại đi dọc bờ sông chảy từ trường đại học kinh tế quốc dân bây giờ đến tận làng Tám để cuốc lươn, sông bẩn nhưng không bẩn như bây giờ, cuốc nửa ngày được đầy một xô lươn đem bán cũng có tiền. Bọn con gái thì lo mua sắm, chuẩn bị quà đến mừng cô. Quà cũng chả có nhiều, vì cũng chả có gì để mua. Mua được một bánh pháo, năm cân cam, một bó hoa chỉ có thược dược, đồng tiền và violét, một quyển sổ ghi chép, thế thôi. Thế nhưng khi mang đến nhà cô, cô còn mất công cắt cả năm cân cam cho cả lớp ăn, vui lắm. Giờ thì cô không còn nữa.
Thoáng đã hai, ba chục năm sắp đi qua rồi, nhanh thật.
Lý A Phủ