Trưa hôm qua, em Thái Lý Hạo Nam cùng ba bạn chung xóm vào công trình cầu nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống trụ bêtông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Dự án cầu Rọc Sen bắc qua kênh rộng khoảng 30 m, đã thi công khoảng 6 tháng. Theo người chứng kiến, sau khi rơi bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.
Anh Phan Thanh Tuấn, công an viên xã Phú Lợi, trực tiếp nhận tin báo từ nhà thầu thi công. Hai chiến sĩ công an tức tốc đến hiện trường trong khi anh Tuấn sang trạm y tế xã huy động bình oxy và máy bơm. "Chủ công trình báo bé rơi sâu đường kính hẹp. Tôi đoán cháu bé sẽ thiếu oxy", anh nhớ lại và cho biết cháu bé vẫn còn trả lời người nhà đến khi oxy được bơm xuống.
Miệng hố cũng được lực lượng bảo vệ không cho đất đá rơi xuống, chờ lực lượng cứu hộ đến. Trong lúc này địa phương mượn được camera hồng ngoại, ống nhòm để quan sát bên trong ống bêtông nhưng hình ảnh khá mờ do ống sâu và hẹp.
Đội cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường khoảng 30 phút sau tai nạn. Trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng công tác cứu hộ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết khi tiếp cận nhiều phương án đã được đội đưa ra, trong đó tính toán tới việc đưa người và thả dây chuyên dụng xuống kéo nạn nhân lên.
Tuy nhiên, với phương án này gặp bất lợi là đường ống bêtông quá nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể chui xuống được. Việc thả dây cũng không khả thi vì nạn nhân đã kẹt cứng vào ống, khó có thể xoay xở để luồn dây qua người.
"Ống bêtông quá nhỏ, lực lượng cứu hộ không thể thấy cháu bé nằm ở điểm nào đường ống. Việc xác định tình hình sức khoẻ của nạn nhân cũng gặp khó khăn", trung tá Giỏi nói. Trong khi chờ đưa ra phương án cụ thể, lực lượng cứu hộ dùng xô khoét đáy để chụp lên miệng cột, che mũ lên trên bảo vệ. Hai chiến sĩ túc trực quan sát, kiểm tra và tiếp oxy xuống đường ống.
Cuối cùng phương án khoan cọc xung quanh cột bêtông cứu nạn nhân được cơ quan chức năng chốt lại. Với cách làm này máy sẽ khoan để đưa từng đoạn cọc dài gần 4 m xuống hố, đồng thời bơm nước làm mềm đất, tạo miệng hố rộng để nhổ cọc. "Không có phương án nào khả thi hơn cách làm này", trung tá Giỏi nói. Mất gần 4 tiếng, máy mới khoan để đưa đoạn cọc đầu tiên xuống.
Theo trung tá Giỏi, khi lực ma sát giữa thân trụ bêtông với đất giảm đến mức thấp nhất, cứu hộ sẽ dùng cần cẩu nhổ cột lên. Ngoài lực lượng lái xe xúc, cẩu liên tục tái lập mặt bằng để chờ các máy móc khác bổ sung vào. Từng đội cứu hộ được đổi ca sau 10 giờ làm việc. Hơn 20 bình oxy loại 10 kg được bơm xuống khu vực dưới trụ qua sự trợ lực của máy và đường ống dài gần 40 m.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp cho biết hiện máy đã khoan được hai mũi, còn 2-3 mũi nữa sẽ hoàn thành. Sau đó đội cứu hộ dùng ống tuýp rỗng ruột đóng xuống bằng chiều dài cột, rồi dùng máy bơm nước vào ống tuýp tạo lực từ bên dưới làm bùn đất xung quanh lỏng ra, giảm lực ma sát để kéo cột lên.
Tuy nhiên, cách làm này sẽ tạo ra tình huống khó khăn khi giải cứu. Một là vòng xoáy nước sẽ làm nước bên trong cột bê tông tăng lên khiến nạn nhân có thể ngạt nước và hai là lúc kéo lên sẽ làm đứt các mối nối của cột 35 m (hai đoạn 12 m và một đoạn 11 m). Trường hợp đứt mối nối, đơn vị cứu hộ cần dùng ngay phương án khoan cọc nhồi (khoan một lỗ lớn bên cạnh) để dịch chuyển cột và kéo lên.
Nhà chức trách ước tính để kéo trụ bêtông lên cần lực tác động 150 tấn. Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, hiện Việt Nam chưa có thiết bị chuyên dùng có thể nhấc cột lên ngay, ngoài phương án được đội cứu hộ đưa ra lúc này
"Oxy vẫn được bơm xuống phía dưới để hy vọng bé trai có khí để thở. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian, cố gắng làm nhanh nhất để cứu người", trung tá Giỏi nói.
Ngọc Tài