Thỉnh thoảnng, tôi lại cảm thấy day dứt vì không biết phải đặt trái tim mình hướng về bà mẹ nào. Thực sự, tôi lại chỉ thấy là chính tôi. Tôi thấy lòng thật ấm áp và hạnh phúc hơn khi ở bên mẹ nuôi.
Mẹ đẻ của tôi năm nay đã 84 tuổi, bà có 5 người con và tôi là con út. Chúng tôi sống ở một xã vùng ngoại thành Hà Nội. Năm 1963, mẹ sinh tôi khi bà 34 tuổi. Vì gia cảnh lúc đó quá nghèo, nhà gần như không có gì ăn, nên khi tôi mới sinh xong được vài tháng, bà cho vợ chồng người hàng xóm nhà ngay kế bên, không có khả năng sinh con, để nuôi tôi.
Vì là người con duy nhất nên tôi được chăm, được yêu chẳng khác nào con đẻ. Tôi còn chẳng biết là tôi là con nuôi của ông bà. Mãi đến khi đi học cấp 2, mấy người hàng xóm nói chuyện với nhau mới lộ ra cho tôi biết. Khi đó, tôi cũng chẳng có cảm xúc gì nhiều và không tin vì cảm thấy mình không thể có ai là bố mẹ khác ngoài bố mẹ (nuôi) của tôi lúc ấy. Có một hôm cha mẹ nuôi gọi tôi ra và nói chuyện nghiêm chỉnh về điều này. Hóa ra, tôi thỉnh thoảng qua nhà hàng xóm chơi mà không biết đã ở ngôi nhà bố mẹ đẻ ra mình. Bố mẹ đẻ chẳng bao giờ nói rằng tôi là con đẻ của họ.
Cha mẹ nuôi tuy không giàu có gì cho lắm nhưng đã lo cho tôi học hành, ăn uống, đồ dùng… lúc nào cũng đầy đủ hơn những đứa cùng tuổi. Bố tôi lại làm trong ngành giáo dục, ông bắt tôi học đến nơi đến chốn, ông hướng tôi vào ngành y.
Cứ thế, tôi lớn lên và từng bước thành đạt trong tình thương yêu, chăm sóc hết mực của cha mẹ nuôi. Kể từ khi thi đỗ, học ở trường Đại học Y khoa Hà Nội, tôi mới càng thấm thía công lao của cha mẹ nuôi. 5 năm học Đại học Y có biết bao vất vả và tốn kém, nhưng tôi vẫn được học, đủ ăn, đủ mặc. Tôi muốn học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, bố mẹ cũng bán vườn, bán đất lo cho tôi học đến nơi đến chốn.
Trong những năm tháng học hành gian khó, sống ở ký túc xá, chỉ thỉnh thoảng về thăm nhà, tôi dường như cũng quên mất bố mẹ đẻ của tôi. Có khi, cả năm tôi chỉ thăm họ một hoặc hai lần vào dịp tết nhất... Tôi dành thời gian gần hết thời gian rảnh có được bên bố mẹ nuôi mà thôi.
Rồi tôi cũng tốt nghiệp và làm việc tại một bệnh viện lớn. Sau 2 năm thì tôi thi, nhận được một học bổng đào tạo tại Ba Lan. Từ biệt cha mẹ nuôi trong nước mắt, tôi sang Ba Lan theo học. Nhưng không ngờ ở đây, cuộc đời của tôi lại rẽ theo một hướng khác. Sang đó 2 năm, vì học hành khá vất vả, thiếu tiền, cha mẹ cũng đã già, không thể có nhiều tiền gửi cho tôi chi tiêu thêm. Từ đó, tôi đi làm thêm bên ngoài, rồi có tích lũy, có tí vốn liếng, đầu tư làm ăn. Chẳng ngờ tôi lại làm ăn được. Chỉ vài năm tôi đã có số vốn, tài sản trị giá hàng triệu USD. Đúng thời điểm đó, Việt Nam lại đang sốt nóng về chứng khoán, sau đó lại sốt giá nhà đất, tôi lại đem tiền về đầu cơ, lợi nhuận trong có mấy năm tăng lên gấp mấy lần số tiền kiếm được ở Ba Lan.
Bây giờ, tôi đã nhiều tuổi, lấy vợ và có 2 con, thường xuyên trở về Việt Nam hơn. Năm nào tôi cũng về 2-3 lần, mỗi lần về ở cả tháng, thậm chí 2-3 tháng vì tôi có 2 quốc tịch. Tôi đã có điều kiện và nhiều thời gian hơn chăm sóc cha mẹ. Tôi cũng dành khá nhiều thời gian, tiền bạc để giúp đỡ mẹ đẻ của tôi (bố đẻ tôi đã mất hồi tôi học năm thứ nhất đại học), do cụ đã bị liệt 2 chân, phải di chuyển trên xe lăn. Tôi cũng tạo điều kiện để lo cho các anh chị của tôi có việc làm ở các văn phòng đại diện của công ty của tôi tại Nga, Ba Lan, Việt Nam và nói chung không có ai trách tôi điều gì.
Nhưng tự tôi cảm thấy, trong cách nhìn của hàng xóm với mình, trong cách họ nhìn theo, có cái gì đó vẫn khiến tôi day dứt. Có thể có người sẽ nói là tôi là người mất gốc, thành đạt rồi lại không về ở với mẹ đẻ ra mình... Người ta vẫn nói: "Cây không gốc rễ tất khô héo" mà. Điều đó làm tôi khổ tâm vì thực sự, dù có chăm sóc đầy đủ hơn nữa cho gia đình mẹ đẻ của mình thế nào, tôi vẫn dành gần hết trái tim, sự thương yêu lớn nhất cho bố mẹ nuôi hơn. Tôi không hiểu sao nữa. Chỉ biết rằng, dù tôi đã sớm biết nguồn gốc của mình nhưng lại chưa từng trở về nhà mẹ đẻ để ngủ một ngày ở đó.
Với tôi, chiếc giường cũ ấy, góc học tập ấy, cái sân gạch, từng gốc cây nơi tôi chơi hồi nhỏ… ở ngôi nhà nơi tôi lớn lên đó vẫn thân thuộc hơn tất thảy, cho dù sau này, giữa tôi và mẹ đẻ, các anh chị của tôi nói chuyện, có quan hệ sâu sắc hơn khi tôi còn trẻ. Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều ghé qua nhà mẹ đẻ thăm nom bà, hỏi han các anh chị em… Tuy nhiên, với tôi, người mẹ lớn nhất vẫn là người đã nuôi nấng, cho tôi ăn học và thành đạt.
Vợ tôi cũng là người hiểu chuyện. Cô ấy vẫn luôn nhắc tôi và các con phải về thăm ông bà nội mỗi khi về Việt Nam. Nhưng bọn trẻ hình như chúng có cảm nhận điều gì đó nên thường không thích qua nhà bà. Đôi khi, chính điều đó làm tôi day dứt, cảm thấy có tội. Và chính tôi cũng thấy mình như có lỗi, bởi những năm nào ít về quê, trong sâu trái tim mình, tôi vẫn chỉ thấy hình ảnh rõ nét của người mẹ nuôi. Thỉnh thoảng, hình ảnh của mẹ sinh ra tôi chỉ thấp thoáng hiện ra trong trí nhớ…
NĐ