![]() |
Bức tranh Đập lúa đêm của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. |
Từ bức "Đập lúa đêm" bị phê...
Năm 1963-1964, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vẽ bức Đập lúa đêm, một bức sơn mài nhỏ, nhưng có giá trị lớn, vì nó đánh dấu bước thay đổi trong quan niệm sáng tác của ông. Trong tranh mình, Nguyễn Tiến Chung thường nghiên cứu kỹ lưỡng sinh hoạt ở nông thôn, vẽ từ chuồng bò, góc bếp, cái rổ trở đi. Khi sáng tác, họa sĩ chủ động điều chỉnh màu và hình trước khi đặt lên tranh, chứ không vẽ trực họa một mạch, thấy đẹp thì dừng như Nguyễn Sáng hay Bùi Xuân Phái. Họa sĩ đặc biệt ưa thích cảnh thu hoạch ngày mùa nên vẽ rất nhiều tranh về đề tài này. Với Đập lúa đêm,, bố cục chỉ có ba nhân vật với mảng lớn. Nhịp điệu xoay quanh người đứng giữa, người vừa quật mạnh bó lúa xuống cối đá. Bên phải, một phụ nữ đang vung bó lúa lên ngang tầm vai. Bên trái, một người dang hết hai tay ngoèo lượm lúa lên quá đầu, chuẩn bị nện xuống. Ánh đèn tỏa một mảng sáng "chạy" để đối chọi với mảng sáng bên phía người phụ nữ. Tạo hình theo hướng ép ngắn chiều dọc, cường điệu khối ở chân tay, thân người, bó lúa, khuôn mặt... làm cho nhân vật chắc nịch khỏe khoắn, "ăn" với khung cảnh lao động. Trông bức tranh rất sinh động, hồn nhiên và ấm cúng...
Vậy mà lúc đem ra triển lãm, có một vị lãnh đạo phê rằng: Vẽ người nông dân mà chân tay to đùng đoàng thế, "vai u thịt bắp" quá, làm giảm hình ảnh đẹp của người lao động XHCN. Sau đó, trong giới họa sĩ chia ra hai luồng ý kiến. Một phía bảo vệ ông Chung, cho rằng tác phẩm có tính sáng tạo cao, tạo hình rất "fauvisme" (hồn nhiên, mạnh mẽ theo trường phái Dã thú của Pháp), rất "ra chất" của người nông dân Việt Nam. Phe kia thì cùng ý với vị lãnh đạo, bảo tác giả vẽ thế là "bôi xấu" giai cấp nông dân, mắc tội "hình thức chủ nghĩa"... Sau đó bức tranh được đem đi Liên Xô triển lãm cùng đợt nhiều tác phẩm khác. Mặc dầu vậy, một thời gian sau nó không còn được trưng bày nữa. Tác giả bị đem ra "chấn chỉnh quan điểm" trong các cuộc tổng kết kinh nghiệm sáng tác. Lặng lẽ chịu đựng, nhưng ông vẫn cho rằng vẽ đề tài lao động sản xuất, cách mạng... phải có tay nghề cao và có tâm huyết. Nếu vẽ bừa, a dua phong trào, tranh xấu tức là phản tác dụng, phản nghệ thuật. Ông nghĩ người nông dân, công nhân... là những người nuôi sống xã hội bằng sức lao động của mình, cần phải vẽ họ thật khỏe, vừa "hùng" vừa bình dị, đúng với tính chất của họ.
...đến tranh "Mùa gặt" suýt bị mài bỏ
Năm 1968, ông Chung đem dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc bức Mùa gặt, là bức sơn mài lớn nhất ông thực hiện sau cách mạng. Để làm một bức sơn mài to hồi đó rất khó, điều kiện vật chất thiếu thốn, không được thuê thợ (vì thuê là bóc lột). Bức Mùa gặt này gần như một "tập đại thành" của ông vẽ về cảnh lao động ngày mùa. Nhưng cũng vì bị phê phán cách vẽ nông dân từ bức Đập lúa đêm nên bức tranh chỉ được giải ba và Bảo tàng không mua. Đem tranh về, không hiểu vì đang cần vóc để làm tranh khác, hay là buồn vì lẽ quan niệm nghệ thuật của mình không được ủng hộ, họa sĩ bảo cô con gái lớn bê tranh đem xuống ao định... mài bỏ đi để vẽ tranh khác. Đúng lúc đó thì ông Đức Minh lên chơi, thấy vậy ông Đức Minh bèn đổi một bộ ghế gỗ cho ông Chung lấy bức tranh này và mua thêm một bức khác. Năm 1976, họa sĩ ốm nặng, vợ ông bán bộ ghế đi được 2.000 đồng. Bộ sưu tập Đức Minh cũng vỡ ra sau khi ông này mất. Bức Mùa gặt lọt vào tay nhà sưu tập Danh Anh.
Suýt nữa hội họa Việt Nam mất đi một tác phẩm lớn của một bậc thày mà giờ đây khó có thể định giá.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)