Sáng 12/11 tại Hội nhạc sĩ Việt Nam diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Văn Cao. Cũng nhân dịp này, gia đình ông quyết định tổ chức đêm nhạc tưởng niệm vào tối 22/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Chương trình sẽ khái quát cuộc đời sáng tác của một trong những nhạc sĩ Việt Nam lớn nhất thế kỷ 20 chứ không chỉ dừng ở tân nhạc và hùng ca như những đêm nhạc khác về Văn Cao. Theo lời nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, trưởng nam của nhạc sĩ Văn Cao, việc đưa những sáng tác giai đoạn chống Mỹ chưa từng được hát công khai vào chương trình “sẽ vẽ thêm một nét mới vào chân dung âm nhạc Văn Cao”.
Đây chính là lý do để gia đình cố nhạc sĩ chọn trong di cảo của ông hai bài hát Dưới ngọn cờ giải phóng và Ta đi làm con suối đưa vào đêm nhạc. Dưới ngọn cờ giải phóng được sáng tác năm 1962, từng được dàn dựng một lần trên đài phát thanh. Ta đi làm con suối ra đời đầu những năm 1970, khi Văn Cao được nhờ viết nhạc phim về những người thợ mỏ Quảng Ninh. Khi bộ phim hoàn thành, Văn Cao ngỡ ngàng khi phần nhạc phim lại dùng nhạc của người khác. Vì vậy, Ta đi làm con suối đành nằm lại trong đống di cảo.
Cũng trong đêm nhạc, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức bài Tiến quân ca theo phong cách hợp xướng, với lời bài hát gốc do Hồ Chủ Tịch lựa chọn làm quốc ca trước khi Quốc hội sửa lời vào năm 1955. Ánh Tuyết - người hát thành công nhất nhạc Văn Cao - sẽ chịu trách nhiệm mở màn đêm nhạc với ca khúc nổi tiếng này. Ngoài Ánh Tuyết, đêm nhạc tưởng nhớ Văn Cao còn có sự góp mặt của NSND Quang Thọ, Đăng Dương, Lan Anh và nhiều ca sĩ khác.
Đêm nhạc là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Văn Cao. Trước đó, đầu tháng 11, Nhà xuất bản Hội nhà Văn ra mắt tập thơ Văn Cao và tổ chức hội thảo về tập thơ này. Cũng vào đầu tháng 11, Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV) phát sóng bộ phim tài liệu mới về Văn Cao. Ngày 9/11, Đài truyền hình Hải Phòng phát sóng trực tiếp chương trình giao lưu âm nhạc kỷ niệm ngày sinh của tác giả Tiến quân ca. Ngày 10/11, Hội nhạc sĩ Việt Nam cũng đã tổ chức một chương trình giao lưu âm nhạc về ông.
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao. Ông sinh ngày 15/11/1923 tại Lạch Tray (Hải Phòng), nhưng quê gốc ở Vụ Bản (Nam Định). Xuất thân trong một gia đình viên chức, thuở nhỏ Văn Cao học ở trường dòng Saint Josef. Đây chính là nơi ông bắt đầu làm quen với âm nhạc. Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tiên Buồn tàn thu khi mới 16 tuổi.
Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, giống như những nhạc sĩ tiền chiến khác, Văn Cao viết các nhạc phẩm trữ tình, nhưng ít bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Đây cũng là thời điểm mà những sáng tác được đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong nền tân nhạc Việt Nam như Thu cô liêu, Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ, Bến xuân, Cung đàn xưa… ra đời.
Năm 1942, Văn Cao lên Hà Nội. Bước ngoặt cuộc đời ông chính là việc được giác ngộ và đi theo Cách mạng. Những tác phẩm mang đậm tinh thần yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca lần lượt ra đời và đỉnh cao là Tiến quân ca, sáng tác năm 1944. Tiếp sau đó, hàng loạt ca khúc ra đời trong kháng chiến như: Bắc Sơn, Trường ca sông Lô, Làng tôi, Ngày mùa, Tiến về Hà Nội… đã tái hiện bức tranh sống động của “9 năm trường kỳ”, từ cuộc sống của những người dân cần lao, đến thôn làng hăng say trong lao động sản xuất, từ chiến thắng sông Lô lịch sử đến việc tiên lượng về ngày khải hoàn, trở lại thủ đô.
Không chỉ là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, Văn Cao còn là nhà thơ, họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm giá trị. Ông qua đời năm 1995, hưởng thọ 71 tuổi.
Huy Phạm