Ngày 8/10, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết khi từ Kiên Giang chuyển viện đến, bé gái 3 tuổi lơ mơ, trụy tim mạch, khó thở, vàng da và mắt. Các bác sĩ ghi nhận khoảng 55 vết ong đốt ở đầu cổ, lưng, tay, chân trẻ, được đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc.
Các xét nghiệm cũng cho thấy tổn thương phổi nặng, suy gan, thận nặng, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, tăng kali máu. Các bác sĩ phải lọc máu liên tục nhiều đợt, can thiệp ECMO, áp dụng những phương pháp hồi sức cao nhất.
"Sau khoảng nửa tháng điều trị, tình trạng bé vẫn còn rất nặng", bác sĩ Tiến nói.
Anh trai bị đốt 28 vết, tổn thương gan nặng, suy hô hấp. Các bác sĩ đặt nội khí quản thở máy, truyền dịch, điều trị hỗ trợ gan và áp dụng nhiều phương pháp giúp bé cải thiện dần, cai được máy thở.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên kiểm soát, phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn. Giáo dục trẻ tránh chọc tổ ong, tránh leo trèo cây hái trái có thể vô tình chọc phá tổ ong và tai nạn té ngã. Tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng để hạn chế thu hút ong.
Nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít, đặc biệt là khi bị ong vò vẽ đốt trên 10 vết.
Lê Phương