Theo Ban Quản lý dự án đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 (Sở Giao thông Vận tải TP HCM), dự án sẽ nạo vét đến độ sâu 9,5 m để đảm bảo cho tàu có tải trọng 30.000 tấn đầy tải và tàu 50.000 tấn giảm tải ra vào cụm cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Chiều dài nạo vét là 54 km, dự kiến thực hiện trong 14 tháng với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Bỉ (hơn 70 triệu Euro) cùng nguồn vốn đối ứng của UBND TP HCM.
Sơ đồ luồng sông Soài Rạp.
Trước đó, chủ đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp là Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã xin rút vì không thể huy động được vốn. Sau đó, dự án được chuyển về cho Sở Giao thông Vận tải TP HCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều lần tổ chức đấu thầu mà không có nhà đầu tư nào tham gia vì khó thu hồi vốn nên UBND TP HCM đã kiến nghị Chính phủ cho triển khai dự án bằng nguồn vốn vay hỗ trợ phát trợ phát triển (ODA).
Hiện tàu biển từ biển Đông vào TP HCM phải vòng qua mũi Vũng Tàu, vịnh Rành Rái và các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè và Sài Gòn với quãng đường 85 km. Mặt khác, luồng Lòng Tàu không rộng, không đón được các tàu biển lớn ra vào. Điều này đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển của thành phố. Việc có được nguồn vốn để nạo vét luồng Soài Rạp cho tàu có trọng tải lớn vào lấy hàng tại cảng Hiệp Phước sẽ giúp việc di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TP HCM được nhanh hơn.
Sau khi luồng sông Soài Rạp được nạo vét, các tàu biển có trọng tải lớn đến 70.000 tấn có thể ra vào cảng Hiệp Phước. Ảnh: H.C.
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP HCM) mới đây, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị song song với việc nạo vét luồng Soài Rạp để tàu biển lớn vào và để tránh lãng phí, thành phố cần đầu tư xây dựng, mở rộng đường vào cảng để đảm bảo sự đồng bộ để vừa phát triển kinh tế vừa giảm bớt tình trạng kẹt xe ở vùng nội thành.
Tại TP HCM, hiện 2 cảng Phú Hữu (quận 9) và Phú Định (quận 8) dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và đã hoàn thành, nhưng đang rơi vào tình trạng ế ẩm hoặc bỏ hoang do không có đường vào cảng.
Dự án nạo vét sông Soài Rạp được triển khai tại 4 tỉnh: Tiền Giang, Long An, TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm phục vụ di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua các cảng trên địa bàn TP HCM. Dự án được khởi công vào cuối tháng 4/2009 và thực hiện 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 nạo vét đến độ sâu 9,5 mét để tàu có trọng tải 30.000-50.000 tấn cập cảng Hiệp Phước; giai đoạn 2 nạo vét đến độ sâu 11 mét cho tàu có trọng tải 50.000-70.000 tấn cập cảng; giai đoạn cuối cùng sẽ nạo vét đến độ sâu 12 mét để tàu có trọng tải 70.000 tấn cập cảng. |
Hữu Công