Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) với vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng từ ngân sách của TP HCM.
Dự án được thực hiện từ năm 2016 đến 2020 do UBND TP HCM quản lý, gồm khối nhà giảng đường, học tập và đào tạo rộng hơn 77.000 m2; khối nhà hành chính, thư viện và nhà thể thao; khối nhà để xe, khối công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ trường.
Dự án trên kết hợp với bệnh viện thực hành theo mô hình viện - trường nhằm tăng cường đội ngũ giảng viên giỏi về lý thuyết và thực hành để mở rộng năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến.
Trước đó, tại buổi làm việc với Thành ủy TP HCM hồi cuối tháng 2, lãnh đạo trường cho biết dự án cơ sở 2 đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do còn 10 hộ dân chưa di dời, làm chậm tốc độ san lấp và xây dựng hai năm nay.
Ông Đinh La Thăng (khi đó là Bí thư Thành ủy TP HCM) đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, UBND huyện Bình Chánh xử lý rốt ráo giải phóng mặt bằng cho trường, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Thăng cũng yêu cầu trường bỏ tiêu chí hộ khẩu TP HCM trong công tác tuyển sinh. Đây cũng là năm đầu tiên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh toàn quốc với điểm chuẩn tăng khá mạnh so với các năm trước.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được thành lập trên cơ sở Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Y tế TP HCM đầu năm 2008. Nhiệm vụ của trường là đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ cho ngành y tế TP HCM, tiến tới trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu y học trọng điểm của khu vực phía Nam.
Trường hiện có gần 650 cán bộ, nhân viên, trong đó 76 người đạt trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2.
Mạnh Tùng