Phiên họp trù bị sáng nay nghe báo cáo tình hình đại biểu và thông qua quy định, chương trình Đại hội. Chiều nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ gặp mặt đại biểu là "Anh hùng Lực lượng vũ trang", "Anh hùng Lao động" và đại diện Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội tại Cung điền kinh Mỹ Đình diễn ra tối cùng ngày.
Hoạt động chính của Đại hội diễn ra vào ngày 10/12 với phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Báo cáo tóm tắt kết quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025; Giao lưu, tôn vinh điển hình tiên tiến, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Dự kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Tiếp đó, Thủ tướng phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"...
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có 2.300 đại biểu, gồm 280 khách mời, 2.020 đại biểu chính thức của 133 Đoàn đại diện cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...
Đến từ Đoàn Quân đội, Trung tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) là một trong các tấm gương điển hình tiên tiến tham dự Đại hội. Hơn 10 năm trước, anh cùng 3 kỹ sư khác được lựa chọn, giao nhiệm vụ sản xuất máy thông tin quân sự.
Chưa từng biết đến loại thiết bị này, những kỹ sư trẻ bắt đầu mổ xẻ các mẫu máy cũ của Liên Xô (cũ), Mỹ từ thời kháng chiến để nghiên cứu cấu trúc, sơ đồ khối... Sau đó, anh em trong nhóm phân chia nhau đến một số nước công nghiệp phát triển trên thế giới để học hỏi thêm. Năm 2010, anh Hà cùng đồng nghiệp đã chế thử thành công hai chiếc máy thông tin, mỗi chiếc nặng khoảng 12 kg, có khả năng nhảy tần 100 lần/giây.
Từ tín hiệu khả quan này, lãnh đạo Viettel đã báo cáo với Bộ Quốc phòng xin tạm dừng việc giao cho đơn vị khác đi đàm phán, mua mẫu thiết bị thông tin quân sự mà nước ngoài đang chào hàng; giao việc đó cho Viettel làm, cam kết tự sản xuất ra sản phẩm có tính năng tương đương.
Sau 6 tháng miệt mài nghiên cứu, chế tạo, nhóm đã cho ra đời chiếc máy thông tin quân sự nặng 8 kg, có những mặt ưu việt hơn so với sản phẩm mà nước ngoài đang chào bán với giá rất cao. Thành quả này tạo tiền đề cho sự ra đời của Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel vào năm 2011, tiền thân của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) hiện nay.
Nhờ phát triển công nghệ nền tảng SDR, công ty sau đó phát triển được nhiều dòng máy thông tin quân sự theo yêu cầu của khách hàng, có thể so sánh với các máy theo tiêu chuẩn của các nước trong khối quân sự NATO. Từ những máy trạm liên lạc để kết nối với cự ly dài tới 2.000 km, máy thông tin lắp đặt trên xe tăng, tới chiếc máy chỉ nặng 300 g để có thể trang bị cho từng cán bộ, chiến sĩ đặc công. Tất cả các máy đều có tính năng nhảy tần và bảo mật rất cao. Máy cũng được tính toán để phù hợp với khí hậu Việt Nam, chịu độ ẩm lên tới 98%, trong khi các thiết bị của NATO chỉ được tính toán để chịu được độ ẩm 95%.
Sau máy thông tin quân sự, Viện Nghiên cứu phát triển Viettel tiếp tục được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu hệ thống rada. Với vai trò là Phó chủ nhiệm đề tài, Nguyễn Vũ Hà cùng đồng đội làm việc ngày đêm, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về loại thiết bị này. Chặng đường nghiên cứu từ năm 2011- 2015 gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng, nhóm đã tạo ra sản phẩm có chất lượng "không thua kém bất cứ sản phẩm ngoại nhập nào".
Sau thời gian thử lửa, anh Hà được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Viettel (năm 2012); sau đó là Viện trưởng năm 2015 (năm mà dự án nghiên cứu rada được nghiệm thu thành công).
Đến năm 2019, trước bước phát triển mạnh mẽ của đơn vị và yêu cầu thực tiễn, Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel được phát triển thành Tổng Công ty Công nghiệp - Công nghệ cao Viettel dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Hà. Anh trực tiếp lãnh đạo các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm quân sự công nghệ cao, góp phần hiện đại hóa Quân đội.
Dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc còn có đại diện tập thể Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân. Đây là đơn vị đặc công nước - lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam, hiện đứng chân trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, những năm qua, đơn vị đã tổ chức huấn luyện diễn tập đối kháng, diễn tập vòng tổng hợp; huấn luyện hiệp đồng với các lực lượng trong Quân chủng và với các quân, binh chủng, lực lượng khác.
Lữ đoàn cũng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, huấn luyện thực tế tại các đảo trên quần đảo Trường Sa, khu vực DK1, đảo Bạch Long Vĩ, khu vực Cát Bà - Long Châu, Đồ Sơn, Lý Sơn, Phú Quốc; tổ chức huấn luyện sinh sống trôi dạt trên biển hàng chục giờ liên tục gắn với thực hiện các phương án tác chiến.
Hiện nay, Lữ đoàn có một bộ phận làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn có khả năng lặn được ở độ sâu 96 mét (đặc nhiệm hải quân một số nước tiên tiến trên thế giới cũng chỉ lặn được ở độ sâu tương đương)... Năm năm qua, Lữ đoàn đã có 15 cá nhân được Bộ trưởng Quốc phòng tặng bằng khen, 15 lượt cá nhân ở các chức danh Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị, Đội trưởng Đặc công, Chính trị viên Đội Đặc công, Nuôi quân được tặng Danh hiệu tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân.
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ I được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc từ ngày 1 đến 6/5/1952, hơn 60 năm qua, đã có 9 kỳ đại hội được tổ chức, gắn với những dấu mốc, sự kiện quan trọng của đất nước.
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X có chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.