Triển lãm sẽ trưng bày hàng nghìn sản phẩm đến từ 195 doanh nghiệp Đài Loan, thuộc 4 chủ đề gồm Di động điện tử (Xe điện); Kỷ nguyên hậu đại dịch; Công nghiệp 4.0; Sản phẩm phong cách sống - Du lịch và Văn hoá Đài Loan.
Bên cạnh đó, một số hội thảo và cuộc họp thương mại 1-1 cũng được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp hai bên gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương. Tiêu biểu là Giao thương trực tuyến 1 đối 1 với các nhà triển lãm, Hội thảo và Giao thương Trực tuyến "Giải pháp Đổi mới trong Chuỗi Cung Ứng Lạnh", chương trình giới thiệu các sản phẩm đạt giải thưởng Taiwan Excellence - ICT cho cuộc sống thông minh; hội thảo Đài Loan và Việt Nam hợp tác mang đến cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Ban tổ chức triển lãm cho biết, đây không chỉ là dịp để người tiêu dùng Việt tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Đài Loan.
Đài Loan có thế mạnh trong gia công chế tạo máy móc sản xuất thông minh, cùng với nền tảng công nghệ thông tin phát triển, có khả năng đáp ứng yêu cầu của nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Đây là tiền đề để Đài Loan phát triển công nghiệp 4.0, góp phần đưa nền kinh tế lên vị trí 12 thế giới và thứ 4 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của WEF.
Một số công ty Đài Loan đang áp dụng sản xuất thông minh cho các hoạt động tại nước ngoài như TECO Electric & Machinery. Nhà sản xuất động cơ hàng đầu của Đài Loan, thành lập một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam vào năm 2019. Toàn bộ quy trình sơn được vận hành tự động; cảm biến và công nghệ nhận dạng hình ảnh giúp phát hiện chính xác lượng hao mòn, phát hiện nhiệt độ và rung động bất thường. Sau khi hoàn thành, các bộ phận được vận chuyển theo tuyến đường định sẵn. Công nhân có thể theo dõi tình trạng các dây chuyền sản xuất thông minh này qua điện thoại di động hoặc iPad.
Quyền Chủ tịch TECO J. George Lien cho biết: "Sản xuất thông minh mang lại lợi ích theo nhiều cách. Chúng tôi đã giảm số lượng thiết bị máy móc cũng như mức tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu, trong khi gia tăng về năng suất, sản lượng và giảm 300% tỷ lệ sai sót".
Với tầm nhìn và quá trình đầu tư lâu dài, Đài Loan hiện sở hữu nhiều nhà máy thông minh và liên tục phát triển để đa dạng hóa sản phẩm. Việc ứng dụng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp máy móc, công nghiệp sản xuất mà những ngành khác như công nghệ tài chính, giao thông thông minh và chăm sóc sức khỏe cũng được hưởng lợi.
Xã hội hiện đại mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức đối với doanh nghiệp, không chỉ là vấn đề về nhân công mà còn là bài toán về kỹ thuật và dây chuyền sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nổ ra, với mong muốn cải thiện tính linh hoạt và tối đa hóa trong quá trình sản xuất, giảm thiểu chi phí vận hành.
Công nghiệp 4.0 là sự tích hợp công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hệ thống sản xuất, giảm thiểu các vấn đề trong việc quản lý lực lượng lao động. Việc cải thiện hệ thống sản xuất trở nên thông minh hơn cho phép các máy móc tự tính toán dựa trên việc thu thập dữ liệu và đưa ra quyết định mà không cần sự kiểm soát của con người.
Gồm 3 xu hướng kết nối, thông minh và tự động hoá linh hoạt, công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi, muốn tồn tại và phát triển thì phải đầu tư, nâng cấp công nghệ và nâng cao chất lượng nhân sự.
Từ năm 2017 đến năm 2020, triển lãm Taiwan Expo đã được tổ chức 14 lần, tại 10 thành phố, trên 6 quốc gia, bao gồm: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Sự kiện thu hút 3.100 đơn vị triển lãm, gần 400.000 khách tham quan thực thể và trực tuyến, mang lại tổng giá trị giao dịch thương mại tiềm năng khoảng 1 tỷ USD
Tuệ An