Báo cáo tổng kết công tác của "Siêu ủy ban" và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc cho biết, năm 2021, tổng doanh thu các doanh nghiệp này ước đạt hơn 821.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.
Tổng lợi nhuận trước thuế ước hơn 34.000 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch. Tổng nộp ngân sách hơn 62.400 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đứng đầu, như PVN ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 40.700 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ PVN ước hơn 18.400 tỷ đồng, bằng 181,1% kế hoạch năm. Vinalines cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh, ước đạt 2.869 tỷ đồng trong năm 2021, tương ứng hơn 300% so với kế hoạch năm và gấp gần 6 lần so với cùng kỳ.
Ngược lại, 5 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành cả kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận, gồm Vietnam Airlines, ACV, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Nam. EVN không hoàn thành mục tiêu về doanh thu nhưng đạt mục tiêu về lợi nhuận.
Về đầu tư, PVN và EVN đứng đầu với quy mô ước đạt 19.600 và gần 18.200 tỷ đồng, SCIC đầu tư gần 6.900 tỷ đồng trong năm trước, MobiFone ước đạt 6.245 tỷ đồng, TKV đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng,...
Về tồn tại trong hoạt động, Siêu ủy ban cho biết, việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong năm 2020 được thực hiện đầy đủ nhưng còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định. Cơ quan này cũng chưa thực sự phát huy vai trò trong việc điều hành, định hướng các doanh nghiệp xây dựng chiến lược.
Nguyên nhân của vấn đề này do khối lượng công việc rất lớn, lĩnh vực đa dạng, tính chất phức tạp, một số công việc tồn đọng kéo dài qua nhiều đời chính sách, quy định. Trong khi đó, số lượng cán bộ còn hạn chế, chưa đủ theo định biên. Một số tập đoàn, tổng công ty cũng chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.
Minh Sơn