Trao đổi VnExpress ngày 19/4, tiến sĩ, bác sĩ Tôn Thanh Trà, Tổng giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh, cho biết các nhân viên bệnh viện bị cách ly do liên quan ba bệnh nhân mắc Covid-19. Họ đều là người Campuchia, không có nhân viên người Việt nào bị cách ly.
Vài ngày trước, người đàn ông Pháp 86 tuổi ngưng tim, tử vong trên đường đi cấp cứu, được người nhà đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh. Khi làm các thủ tục theo quy định để đưa thi thể về nước, người này có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV, phải hỏa táng tại Campuchia. 8 nhân viên trong kíp trực cấp cứu của bệnh viện bị cách ly. Kết quả xét nghiệm các nhân viên đợt một âm tính, đang lấy mẫu xét nghiệm đợt hai.
11 điều dưỡng khác phải cách ly, liên quan đến hai bệnh nhân đã lấy mẫu xét nghiệm nCoV, trong thời gian chờ trả kết quả thì đến khám tại bệnh viện, sau đó xác định dương tính. Tại Campuchia, người xét nghiệm nCoV thường ba ngày mới có kết quả. Bệnh viện tổ chức một khu riêng để cách ly những nhân viên y tế này, cung cấp suất ăn miễn phí, vitamin C...
"Những nhân viên còn lại phải choàng nhiều việc, vất vả hơn", bác sĩ Trà nói.
Dù vậy, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh hỗ trợ Campuchia hai xe cứu thương với hai tài xế và hai điều dưỡng đã được tập huấn về Covid-19, để vận chuyển bệnh nhân nghi mắc hoặc mắc Covid-19 về nơi cách ly, điều trị tập trung.
Từ hôm 15/4, chính phủ Campuchia lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thị xã Takhmao trong 14 ngày để đối phó với Covid-19 bùng phát. Những ngày qua, nhiều nhân viên y tế bị kẹt ở bệnh viện, không được về nhà do lệnh phong tỏa. Từ tối 18/4, chính phủ mới cho phép nhân viên y tế được quyền đi lại.
Khi thủ đô bị phong tỏa, tâm lý của bệnh nhân và một số nhân viên dao động. Bệnh nhân một số xin được về. Số ở lại được bệnh viện cấp giấy xác nhận cho người nhà ra ngoài mua thức ăn. Nhân viên của bệnh viện được cấp giấy xác nhận để đi làm trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo bác sĩ Trà, lệnh phong tỏa khiến lượt bệnh nhân đến khám giảm, bác sĩ phải tư vấn trực tuyến từ xa, khám và điều trị qua số điện thoại đường dây nóng nhiều hơn. "Số người bệnh nặng nhập cấp cứu tăng nhiều hơn nên việc điều trị rất vất vả", bác sĩ Trà chia sẻ.
Các y bác sĩ Chợ Rẫy Phnom Penh được chính phủ Campuchia ưu tiên chích vaccine Covid-19 Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca. Toàn bệnh viện có 326 nhân viên y tế, hiện còn 15 người chưa được tiêm vaccine do đang cách ly. 125 người đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Số còn lại dự kiến sẽ được tiêm mũi thứ hai vào ngày 23/4.
Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh khởi công vào năm 2010, hoạt động từ năm 2014, với tinh thần hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong lĩnh vực y tế và xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Campuchia.
Khi mới thành lập, bệnh viện gặp nhiều khó khăn do không thu hút được người bệnh, họ vẫn lặn lội đường xa, chấp nhận tốn kém sang Việt Nam để được bác sĩ Chợ Rẫy ở TP HCM khám. Những năm qua, các chuyên gia y tế từ Chợ Rẫy TP HCM sang hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, bệnh nhân không cần sang Việt Nam nữa.
Hơn 15 tháng qua, bác sĩ Trà chưa được về Việt Nam. Anh sang thủ đô Campuchia nhận công tác hơn hai năm qua. Không thể về thăm nhà, anh chỉ dành thời gian cuối ngày để gọi điện trò chuyện với gia đình. Hai con của anh, một bé đang học lớp 9, một bé lớp 5, đều sắp thi chuyển cấp.
Do ảnh hưởng của Covid-19, các chuyên gia Việt Nam không thể thường xuyên qua lại tham gia hội chẩn, điều trị như trước. Bệnh viện chỉ còn hai bác sĩ của Chợ Rẫy TP HCM sang là bác sĩ Trà và bác sĩ Lê Xuân Hằng, Khoa Hô hấp, ở lại Campuchia.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, những năm trước, Chợ Rẫy Phnom Penh luôn có khoảng 15-20 bác sĩ từ Việt Nam sang để đảm bảo hoạt động của các chuyên khoa. Các bác sĩ này thường luân phiên nhau, ở lại khoảng một tháng, vừa trực tiếp khám chữa bệnh vừa hỗ trợ chuyên môn cho bác sĩ Campuchia.
"Khi Covid-19 xảy ra, bác sĩ Việt Nam mỗi lần sang Phnompenh về nước phải cách ly 14 ngày, trở lại Campuchia cũng cách ly ngần ấy ngày, sẽ ảnh hưởng hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy", bác sĩ Thức nói. Hơn nữa, tay nghề của bác sĩ tại Campuchia ngày càng được nâng cao, có thể đảm đương công việc. Bác sĩ Việt Nam chỉ hỗ trợ trực tuyến, hội chẩn từ xa, nhờ thế hoạt động của bệnh viện vẫn phát triển tốt.
Trong năm 2020, bệnh viện đã thành lập Khoa VIP dành cho người có thu nhập trung bình trở lên, cải tạo một khu nhà cũ để dời khoa Cấp cứu ra phía trước, khang trang hơn với 20 giường bệnh cùng trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện cũng trang bị máy cộng hưởng từ hiện đại nhất Campuchia, máy CT Scan mới, thành lập trung tâm chạy thận nhân tạo với 16 máy, trên 400 lượt chạy thận mỗi tháng...
Các quy định về cách ly khi nhập cảnh khiến người Campuchia không thể qua Việt Nam khám bệnh, do đó lượng bệnh nhân ở Chợ Rẫy Phnom Penh hai năm qua tăng cao hơn so với trước. Bệnh viện đang điều trị nội trú hơn 100 bệnh nhân không phải Covid-19. Những ngày đầu tuần, bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 500 người đến khám. Năm qua, số lượng bệnh nhân nội trú và ngoại trú tăng lên 30-40%.
"Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật khó, cứu được nhiều bệnh nhân nặng nên rất được tin tưởng", bác sĩ Trà chia sẻ.
Thủ tướng Hun Sen chọn Chợ Rẫy Phnom Penh là một trong hai bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Campuchia. Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh chưa tham gia điều trị ca Covid-19 nào, nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng. Bệnh viện đã thành lập ban điều trị Covid-19, chuẩn bị hỗ trợ nếu nước sở tại yêu cầu.
Campuchia đang trong đợt bùng phát mạnh mẽ Covid-19. Trong năm 2020, nước này ghi nhận hơn 400 ca nhiễm, song từ đầu năm đến nay gần 6.000 ca, 43 người tử vong. Số ca tăng đột biến từ cuối tháng 2 đến nay. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thủ đô Phnom Penh và thị xã Takhmao lân cận bị phong tỏa.
Thủ tướng Hun Sen hôm 17/4 cho biết ông đang xem xét gia hạn lệnh phong tỏa Phnom Penh và Takhmao nếu người dân không tuân thủ những biện pháp hạn chế. Campuchia đã bố trí hàng nghìn giường bệnh tại các trung tâm tổ chức tiệc cưới ở Phnom Penh, ngăn Covid-19 thành "thảm kịch quốc gia", theo cảnh báo của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).