Ngày 2-3/7, cảnh sát Pháp bắt giữ 19 học sinh trung học tại Marseille và Paris (Pháp) để điều tra vụ hàng nghìn học sinh chia sẻ đề thi toán bị rò rỉ qua tin nhắn và ứng dụng WhatsApp.
Văn phòng công tố Paris cho biết, 7 em đã được thả, 12 em vẫn bị giam giữ và có nguy cơ đối mặt với các cáo buộc gian lận thi cử. Tuy nhiên, cơ quan giáo dục của Pháp quyết định không hủy bỏ kỳ thi bởi khoảng một nửa trong tổng số 740.000 học sinh trung học đã hoàn tất.
Song song với vụ rò rỉ đề thi, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean Michel Blanquer hiện phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác do giáo viên tham gia chấm thi tại một số vùng đe dọa sẽ không trả điểm thi nhằm phản đối chương trình cải cách kỳ thi tú tài từ năm 2021. Điều này gây ảnh hưởng đến 108.000 trong số 4 triệu bài thi.
Giáo viên đang cố gắng thuyết phục chính phủ mở lại các cuộc đàm phán về cải cách kỳ thi cuối cấp từ năm 2021, yêu cầu việc đánh giá liên tục hơn và ít phụ thuộc hơn vào kỳ thi. Hàng nghìn người Pháp cũng đã xuống đường biểu tình trong những tháng gần đây để "khóc than" cho các kỳ thi.
Bộ trưởng Blanquer cho biết, đã trao đổi với giáo viên, khẳng định "điều này hoàn toàn đi ngược lại với các nguyên tắc dịch vụ cộng đồng và sẽ có hình phạt tài chính nghiêm khắc". Một số nguồn tin cho rằng ông Blanquer đe dọa cắt hai tuần lương của những giáo viên này.
Đây không phải lần đầu tiên Pháp rò rỉ đề thi. Chuyện tương tự từng xảy ra vào năm 2011, trên một diễn đàn Internet.
Kỳ thi tú tài Pháp nổi tiếng khó khăn, được xây dựng dựa trên cấu trúc đề thi từ thời Napoleon năm 1808, bao gồm các môn khoa học, kinh tế, khoa học xã hội, văn học, triết học. Để xét tuyển vào trường đại học, học sinh Pháp trải qua kỳ thi (tổ chức vào tháng 6) và có bằng tú tài (bằng tốt nghiệp phổ thông).
Thanh Hương (The Guardian)