Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) rạng sáng nay công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org. Thông tin về 200.000 thực thể nước ngoài (công ty offshore) do các cá nhân giàu có trên khắp thế giới thiết lập được hé lộ trong lần này.
Trước khi dữ liệu đầy đủ được công bố, tra cứu tên website của ICIJ, người xem tìm thấy 104 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Hiện con số tăng lên 189.
Theo số liệu công bố trên ICIJ đến sáng nay, có 19 công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam. Trong đó, 15 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, hai công ty đặt tại Bahamas, một tại Panama và một công ty chưa xác định được vị trí. Có 189 cá nhân, liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau, và liên quan đến các công ty offshore.
Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian, 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Quần đảo Virgin thuộc Anh, Bahamas, và Panama đều được mệnh danh là những "thiên đường thuế". Việc thành lập doanh nghiệp tại đây tương đối dễ dàng, đồng thời mức thuế cũng rất ưu đãi.
Cấu trúc thông tin trong cơ sở dữ liệu rất rõ ràng. Nó trình bày theo dạng bản đồ, kết nối chặt chẽ các đối tượng với nhau dựa trên mối liên quan. Bên cạnh việc nêu tên cụ thể các cá nhân, tổ chức, tài liệu còn cung cấp thông tin về quan hệ của những người này với các công ty ở nước ngoài, chức vụ, vị trí là gì hay đảm nhận cương vị từ thời gian nào.
Ở khu vực châu Âu, Anh và Nga là hai nước có liên quan đến các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tương đối lớn với lần lượt 17.973 và 11.516 thực thể. Bên cạnh đó, số cá nhân, tổ chức đến từ hai quốc gia này xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của ICIJ lần lượt là 5.676 và 6.285.
Số công ty cùng tổ chức, cá nhân có liên quan tới Mỹ là 6.254 và 7.325.
Tại châu Á, Trung Quốc cũng liên quan đến một lượng khá lớn công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với 4.188 thực thể. Trong khi đó, con số ở Nhật Bản là 28. Số công ty ở nước ngoài của Singapore cũng được xếp vào hàng cao với 5.869 thực thể.
Số tài liệu trên nằm trong 2,6 TB dữ liệu do một nguồn giấu tên, biệt danh John Doe, gửi cho tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung cách đây hơn một năm. Nó có nguồn gốc từ Mossack Fonseca, công ty luật trụ sở Panama chuyên về thiết lập và vận hành các thực thể ở nước ngoài.
Từ khi được công bố hôm 3/4, Hồ sơ Panama đã tạo nên một cơn chấn động trên toàn cầu. Đây được đánh giá là một trong những vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử.
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi tên hai ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế. Nhiều người giàu ở Australia, Pháp, Ấn Độ, Mexico, Peru, Tây Ban Nha và các quốc gia khác cũng bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế.
Xem thêm: Hồ sơ Panama tố điệp viên Mỹ dùng công ty ma che giấu hoạt động
Vũ Hoàng