Luật sư Phạm Công Út - người bảo vệ quyền lợi cho Huỳnh Văn Nén - cho biết, việc đòi bồi thường 18 tỷ đồng cho gần 17 năm ngồi tù oan của ông Nén có nhiều mục nhưng chủ yếu vẫn bám sát vào các khoản chính như: thiệt hại về tinh thần, kinh tế, tổn thất sức khỏe, uy tín danh dự người thân, thăm nuôi, hành trình kêu oan... Tuy nhiên, phía TAND tỉnh Bình Thuận đã bác nhiều khoản, chấp nhận bồi thường 10,5 tỷ đồng.
Theo luật sư Út, về mặt tinh thần, TAND Bình Thuận chấp nhận bồi thường 15 năm cho tội giết bà Lê Thị Bông, khi cho rằng 2 năm còn lại ông Nén phải chấp hành tội Hủy hoại tài sản. Việc tính toán dựa theo quy định một ngày tù bằng 3 ngày lương cơ sở, một ngày tại ngoại bằng một ngày lương. Với 55.000 đồng một ngày, ông Nén được gần một tỷ đồng. Riêng 10 ngày bị tạm giam, tòa không chấp nhận vì cho rằng khoảng thời gian này họ không có lỗi.
Đối với chi phí kêu oan gần 17 năm của người thân ông Nén, trong đó ba mẹ ông phải bán 3 lô đất, anh rể bán 10 hecta đất, ông Thận (nguyên chủ tịch UBND xã Tân Minh lúc vụ án xảy ra 17 năm trước) cũng bán đất với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tòa chỉ đồng ý 1,5 tỷ đồng, trong đó ông Truyện (ba ông Nén) 700 triệu đồng, ông Thận 500 triệu đồng và ông Nghĩa (anh rể ông Nén) 300 triệu đồng.
Về thiệt hại uy tín, danh dự, nhân phẩm, tòa chấp nhận bồi thường cho ông Truyện 1,5 tỷ đồng, vợ ông Nén một tỷ và 3 người con ông Nén 1,2 tỷ. Số tiền gia đình đòi bồi thường danh dự cho mẹ ông Nén một tỷ nhưng tòa không chấp nhận vì cho rằng bà đã chết (năm 2014). Với 84 lần thăm nuôi, mỗi lần tính 4 người, một người 2 ngày công, số tiền được đưa ra là 400 triệu đồng.
Trong quá trình đi tù, ông Nén bị thương tật 63%, trong đó có 21% về khoản tâm thần nên gia đình yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng nhưng chỉ được chấp nhận 2 tỷ. Tiền chi phí đi lại ăn ở hàng chục luật sư bào chữa miễn phí (trong đó có 2 luật sư có phí) được chấp thuận 171 triệu đồng (quy ra 5 cây vàng vào thời điểm làm đơn)... Ngoài ra, đơn yêu cầu bồi thường còn có nhiều khoản chi phí nhỏ khác.
Cơ sở để đưa ra những khoản trên, TAND tỉnh Bình Thuận cho rằng, Tòa án tối cao chỉ chấp nhận bồi thường bản án oan giết bà Lê Thị Bông, chứ không bồi thường "kỳ án vườn điều" vì ông Nén ngồi tù hai vụ án cùng một thời gian. Ngoài ra, nhiều yêu cầu bồi thường, ông Nén không chứng minh được thiệt hại nên chỉ chấp nhận với số tiền như vậy.
Trao đổi với VnExpress về hướng giải quyết, lãnh đạo TAND Bình Thuận tham gia buổi hòa giải cho rằng, theo quy định khi hết hạn thương lượng bồi thường mà vẫn chưa thống nhất số tiền thì phía người bị oan sai có thể khởi kiện hoặc ủy quyền ai đó khởi kiện ra tòa phân xử.
Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người. Tháng 4/1998, ông bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Hơn 2 năm sau TAND Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Cuối năm ngoái, ông Nén được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Hồi tháng 4, ông Nén nộp đơn yêu cầu TAND Bình Thuận bồi thường 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong hai bản án. Khi được yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ, ông cho rằng tòa "đánh đố", bởi gia đình ông không nghĩ có ngày ông được giải oan để giữ lại những hóa đơn chi phí.
Chánh án TAND Tối cao sau đó chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận cần tạo điều kiện và giải quyết theo hướng có lợi cho ông Nén. "Có những khoản không cần phải hỏi hóa đơn, nếu xét thấy hợp lý nên thỏa thuận", Chánh án chỉ đạo.
Phước Tuấn