Ngoài ra, các tỉnh vùng ngập còn xin được cấp 15 tấn ClorraminB, 25.000 lít hóa chất khử trùng, 220 cơ số thuốc chữa bệnh, để xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh và 1.370.000 liều vác xin phòng bệnh cho gia súc…
Để khôi phục sản xuất sau lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng chỉ đạo xuất dự trữ quốc gia 45 tấn hạt giống rau, 275 tấn lúa giống, hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi ha hoa màu vụ đông.
Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn ngập sâu, người dân phải đi lại bằng thuyền. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc cứu đói, khôi phục sản xuất vụ đông, chuẩn bị chống rét, chống đói cho gia súc trong mùa đông sắp tới. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét để có cơ chế giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn, nếu có điều kiện thì hỗ trợ lãi suất cho nông dân.
Phó thủ tướng nhấn mạnh các địa phương phải sắp xếp chi tiêu để huy động nguồn lực cao nhất cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, chứ không chỉ dựa vào ngân sách dự phòng. Về lâu dài, một số địa phương cần tính lại bài toán quy hoạch, tránh tình trạng như Hà Nội vừa qua chỉ tiêu thoát qua trạm bơm Yên Sở là không ổn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau mưa lũ, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung bộ bị thiệt hại khoảng 210.000 ha rau màu, 30.000 ha lúa, 40.000 ha thủy sản mất trắng. Cơ sở hạ tầng giao thông, điện, trạm y tế, trường học… bị tàn phá nặng nề. Tổng thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng.
Hiện vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân bị ngập sau trận mưa kỷ lục đêm 30/10-2/11. Đơn cử Hà Nội còn 18.000 ha ngập nước, trong đó có 26 khu dân cư với 8.700 hộ dân, nơi ngập sâu nhất 1,2 m.
Hồng Khánh