Tháng 8/2015, Hoàng Đức Khôn, cán bộ cấp sở ở thành phố Khải Lý, tỉnh Quý Châu, giữ chức phó giám đốc ban quản lý phá dỡ nhà và tái định cư, bị điều tra vì nghi biển thủ công quỹ.
Tháng 7/2016, Khôn bị phát hiện có nhiều hành vi sai phạm và bị tạm giam. Ngày 5/7, cơ quan điều tra lấy dấu vân tay của Khôn theo thủ tục tư pháp, bất ngờ phát hiện dấu vân tay của ông ta trùng khớp với vân tay của nghi phạm trong vụ án mạng 18 năm trước tại Khải Lý.
Cảnh sát lập tức thẩm vấn Khôn, điều tra ra thân phận thực sự của ông ta và chân tướng sau thảm án diệt môn từng gây rúng động. Trước nhiều bằng chứng không thể chối cãi, Khôn thú nhận mọi tội ác và khai ra đồng phạm là Phan Khải Bình.
Hoàng Đức Khôn sinh ra trong gia đình có bố nghiện rượu, thường xuyên bạo hành vợ con. Chịu ảnh hưởng từ bố, Khôn lầm lì ít nói, tính tình hung hăng, từ nhỏ đã tập tành hút thuốc, uống rượu, ẩu đả như lưu manh đường phố. Phan Khải Bình là kẻ đi theo nghe Khôn "chỉ đâu đánh đấy".
Khôn và Bình chơi thân với Lôi An từ thời cấp hai. Cả ba đều là con của nhân viên Công ty vận tải Khải Lý. Tuy nhiên, An có tính cách và hoàn cảnh gia đình hoàn toàn khác biệt.
Sau khi tốt nghiệp, An tiếp tục đi học rồi trở về Khải Lý làm cảnh sát, được thăng chức phó trưởng đồn cảnh sát. Khôn và Bình vào Công ty vận tải Khải Lý làm công nhân nhưng sau đó bị sa thải do sai sót trong công việc.
Khôn quyết định kinh doanh tụ điểm giải trí, kiếm được nhiều tiền nhờ bắt kịp xu hướng. Nhưng vào năm 1996, đường dây điện cũ bị chập cháy, thiêu rụi toàn bộ tài sản khiến hắn trắng tay và ôm nợ lớn. Ở tuổi 28, Khôn phải lái xe công nông để kiếm tiền trả nợ.
Tháng 3/1998, Khôn vẫn chưa hết nợ nần nên tính chuyện cướp ngân hàng để có tiền nhanh. Tình cờ gặp lại An trên phố sau nhiều năm mất liên lạc, hắn nhìn thấy khẩu súng lục giắt trên thắt lưng bạn bèn nảy ý đồ cướp súng.
Khôn rủ Bình nhập bọn, nhiều lần bám theo An tìm cơ hội ra tay. Cả hai còn cố ý luyện tập phương pháp khống chế đối thủ vì lo An là cảnh sát được huấn luyện sẽ không dễ đối phó.
Sau nhiều ngày theo dõi, Khôn phát hiện vợ chồng An bất hòa, An thuê nhà ở ngoài và luôn về nhà trọ sau 22h. Tối 17/10/1998, Khôn và Bình mai phục trên đường An về nhà trọ, dùng dao giết bạn rồi lấy đi khẩu súng và 6 viên đạn.
Sáng sớm hôm sau, thi thể An được người qua đường phát hiện. Cái chết của phó trưởng đồn cảnh sát thu hút sự chú ý lớn, chính quyền thành phố Khải Lý ra lệnh điều tra kỹ vụ án, trong thời gian đó, cả ngân hàng cũng được tăng cường kiểm soát.
Điều này không có lợi cho kế hoạch cướp ngân hàng của Khôn. Lo bị bắt trong quá trình gây án, Khôn đành chuyển hướng đến tiệm vàng. Tuy nhiên, khi đi thăm dò tiệm vàng, hắn nhìn thấy Nhạc Quý Kiến, giám đốc chi nhánh ngân hàng mới mở ở bên kia đường. Khôn nảy ý tưởng cướp nhà ông Kiến vì cho rằng chủ ngân hàng chắc chắn có rất nhiều tiền, việc đột nhập nhà dân để trộm cướp cũng dễ hơn và xác suất thành công cao hơn đi cướp ngân hàng.
Sau khi xác định được mục tiêu, Khôn và Bình theo dõi ông Kiến, quan sát nơi ở của gia đình ông để lập kế hoạch. Ông Kiến có vợ là trưởng phòng nhân sự của Bệnh viện 418 và một con gái 14 tuổi. Gia đình ông sống tại phòng 501, tòa nhà 17, khu ký túc xá nhân viên của Bệnh viện 418 thành phố Khải Lý.
Sau nhiều ngày đeo bám, cả hai phát hiện vợ chồng ông Kiến về nhà ăn trưa vào 12h hàng ngày, nghỉ ngơi khoảng một tiếng rưỡi sau đó cùng đưa con gái đi học. Tòa ký túc không có cửa chống trộm ở tầng trệt, chỉ có cửa sắt bảo vệ ở lối ra cầu thang tầng 5. Gia đình cho rằng ban ngày không có gì đáng lo nên cửa sắt thường để mở.
Trưa 1/12/1998, sau khi gia đình ông Kiến về nhà ăn trưa, Khôn và Bình rình rập ngoài cửa. Bình cầm hai cây cải thảo, vờ đi thăm họ hàng để không khiến người khác nghi ngờ. Khôn giấu súng trong quần áo.
Lúc 13h30, gia đình ba người mở cửa ra ngoài, Khôn chĩa súng vào trán ông Kiến, bắt họ quay bước vào phòng. Khi Khôn quay đầu bảo Bình lục soát nhà, ông Kiến chớp thời cơ xông lên tóm lấy khẩu súng. Hai người tranh giành kịch liệt, Bình sợ tiếng động lớn thu hút hàng xóm nên kéo rèm các phòng lại. Trong khi giằng co, Khôn bắn hai phát vào đầu ông Kiến khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Lúc này, tiếng điện thoại từ phòng khách vang lên, vợ ông Kiến vừa nhấc lên thì bị Khôn ép cúp máy. Cuộc gọi thứ hai cũng như vậy. Để tránh phiền phức, Khôn bắn chết vợ con ông Kiến sau khi bắt khai ra nơi cất tiền và sổ tiết kiệm.
Trong quá trình này, hàng xóm nghe thấy tiếng kêu khóc và tiếng va đập lớn nhưng chỉ cho là hai vợ chồng đánh mắng con. Lưu Xảo Vân, bạn thân của vợ ông Kiến, sống ở tầng trên, gọi điện đến muốn khuyên họ nhưng liên tục bị cúp máy chỉ sau vài giây.
Vân lo lắng nên quyết định gõ cửa hỏi thăm. Sợ lộ, Bình lập tức kéo cô vào phòng, Khôn nổ súng sát hại. Sau khi gây án, chúng mở van bình gas, cắt ống dẫn, bật bếp ở mức to nhất định tạo vụ nổ khí gas để che đậy tội ác, nhưng do khí gas còn ít nên âm mưu không thực hiện được.
Hai kẻ sát nhân lấy hơn 2.000 nhân dân tệ tiền mặt, sổ tiết kiệm và nhiều tài sản khác rồi bỏ trốn.
Ngày hôm sau, gia đình gọi điện đến tìm vợ chồng ông Kiến nhưng không ai bắt máy, không ai mở cửa, gia đình Vân cũng không tìm thấy cô nên hai nhà quyết định gọi cảnh sát. Cảnh sát cạy cửa phòng 501, thấy bốn thi thể, đồng thời tìm thấy vài viên đạn tại hiện trường.
Qua kiểm tra, những viên đạn đều đến từ súng của An, phó trưởng đồn cảnh sát bị sát hại 44 ngày trước.
Cảnh sát tin rằng hai vụ án có thể do cùng một nhóm người gây ra nên kết hợp lại để điều tra. Họ thu thập được dấu vân tay ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón út của một nghi phạm trên móc treo quần áo trong nhà ông Kiến, để lại khi giằng co với nạn nhân.
Tuy nhiên, do công nghệ điều tra tội phạm thời đó còn kém phát triển, chưa có hồ sơ dấu vân tay quy mô lớn, cảnh sát không thể đối chiếu để tìm ra nghi phạm. Chính quyền treo thưởng 200.000 nhân dân tệ để tìm manh mối phá án, lập kỷ lục về mức thưởng cao nhất trong một vụ án hình sự ở Khải Lý, nhưng không có kết quả.
Sau khi bỏ trốn, Khôn và Bình vứt súng xuống sông để xóa sạch bằng chứng. Khôn không chạy trốn đến nơi khác mà quyết định ở lại Khải Lý vì cảm thấy nơi càng nguy hiểm thì càng an toàn.
Năm 2000, Khôn tìm được công việc tài xế cho phó giám đốc ban quản lý quận tên Hồng Kim Châu. Sau khi ông Châu được thăng chức lên thị trưởng thành phố Khải Lý, Khôn cũng được nâng đỡ lên cán bộ thành phố, phụ trách công tác phá dỡ theo quy hoạch.
Khôn dùng cách uy hiếp, đe dọa để hoàn thành việc phá dỡ, được cấp trên khen ngợi. Hắn làm bằng tốt nghiệp giả, được thăng chức làm giám đốc cục quản lý đô thị của khu phát triển kinh tế Khải Lý năm 2011.
Năm 2013, ông Châu bị bắt vì tội tham nhũng và nhận hối lộ, nhưng Khôn an toàn thoát thân. Không còn "ô dù", Khôn vẫn bí mật lợi dụng chức vụ để tích lũy tiền tài. Hắn cùng anh trai hợp mưu, gây áp lực để mua đất giá rất thấp sau đó bán với giá cao, ăn chênh lệch hàng triệu nhân dân tệ.
Tháng 8/2015, Khôn được thăng chức làm phó giám đốc ban quản lý phá dỡ và tái định cư của thành phố Khải Lý. Khi bàn giao công việc cùng đồng nghiệp để chuẩn bị chuyển sang vị trí mới, Khôn để lộ dấu vết sai phạm vì không thể khớp sổ sách.
Các đồng nghiệp nghi ngờ Khôn tham ô và đệ đơn tố cáo. Hắn bị bắt ngày 5/7/2016. Khi cảnh sát lấy dấu vân tay đưa vào hồ sơ, cơ sở dữ liệu thông báo Khôn chính là nghi phạm trong vụ giết người 18 năm trước.
Qua chỉ điểm của Khôn, Bình bị bắt. Khẩu súng Khôn dùng để gây án cũng được trục vớt thành công.
Trên phiên tòa xét xử ngày 11/2/2018, Khôn và Bình thừa nhận tội ác. Ngày 30/7/2018, cả hai bị tuyên án tử hình.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Sina, 163)