Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 27/9 tập kích vào trụ sở Hezbollah ở Daniyeh, khu ngoại ô phía nam thủ đô Beirut, Lebanon. Tel Aviv sau đó tuyên bố họ đã hạ sát thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Hezbollah gần đây tổn thất hàng loạt chỉ huy cấp cao trong các đợt tập kích liên tiếp của Israel. Tel Aviv còn được cho là đứng sau các vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah ngày 17-18/9 làm 39 người chết, hàng nghìn người bị thương.
Theo giới phân tích, thành công gần đây của Israel khi nhắm vào Hezbollah cho thấy nước này chủ yếu dành nguồn lực đối phó nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite hơn là các mối đe dọa khác, như Hamas ở Gaza.
"Israel cho thấy khả năng xâm nhập tình báo đáng kinh ngạc vào Hezbollah so với vào Hamas", Yaakov Katz, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách người Do Thái, trụ sở ở Jerusalem, nói với Breaking Defense. "Đó là kết quả của sự chú trọng IDF dành cho mặt trận miền bắc 18 năm qua".
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Jonathan Lord, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh New America, Mỹ cho biết Israel coi Hezbollah là mối đe dọa "cấp chiến lược".
Lần gần nhất Hezbollah và IDF đối đầu trực tiếp là tháng 7/2006. Hezbollah đột kích xuyên biên giới khiến ba binh sĩ Israel thiệt mạng và bắt cóc hai con tin. Israel mở chiến dịch vào miền nam Lebanon đáp trả. Trong 33 ngày, giao tranh khiến khoảng 1.200 người chết ở Lebanon, Israel ghi nhận hơn 160 người chết.
Sau khi cuộc chiến kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian, Israel tăng cường chuẩn bị đề phòng một cuộc xung đột lớn nữa với Hezbollah, thậm chí là với Iran, quốc gia hậu thuẫn cho nhóm vũ trang.
Israel năm 2021 ước tính Hezbollah có hàng chục nghìn thành viên, sở hữu 150.000-200.000 rocket. Những năm gần đây, Hezbollah còn tiếp nhận đầu đạn dẫn đường chính xác, UAV tự sát - những loại khí tài nếu được phóng với số lượng lớn có thể chọc thủng hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel.
IDF dần hiểu Hezbollah hơn, ngăn chặn phần nào sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ Tehran cho nhóm. Carmit Valensi, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS), trụ sở Tel Aviv, cho biết IDF "đã thiết lập hàng loạt kế hoạch tác chiến để nhắm vào Hezbollah từ các góc độ khác nhau".
"Chiến lược cốt lõi là làm suy giảm các năng lực của Hezbollah từ trước, cải thiện vị thế trước khi bắt đầu bất cứ chiến dịch quy mô lớn hay chiến tranh tổng lực nào", bà Valensi nói. "Mục tiêu là thiết lập thế trận có lợi, từ đó dễ dàng đối phó Hezbollah".
Loạt vụ nổ thiết bị liên lạc được coi là đòn gây sốc giáng vào Hezbollah, bởi nhóm đã chọn chuyển sang sử dụng công nghệ thấp để tránh bị theo dõi. Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau, nhưng Tel Aviv không xác nhận hay bác bỏ.
Nếu Israel thực sự đứng sau, giới chuyên gia nhận định một chiến dịch như vậy phần nào liên quan cơ quan tình báo nước ngoài Mossad và Đơn vị 8200, hoạt động tương tự như Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Clive Jones, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông và Hồi giáo, Đại học Durham, Anh cho rằng còn có sự tham gia của Đơn vị 504, lực lượng tình báo quân đội phụ trách các điệp viên ở Lebanon.
Với Bregman, đây là dấu hiệu cho thấy các cơ quan tình báo Israel đã rút ra bài học từ quá khứ. "Một trong những bài học từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, khi Israel cũng chịu thất bại tình báo khủng khiếp, là cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các nhánh tình báo", Bregman nói. "Và vấn đề đã được cải thiện".
Chiến tranh Yom Kippur diễn ra vào ngày thánh Yom Kippur, ngày lễ linh thiêng nhất trong năm của người Do Thái. Vào ngày này, người Do Thái nhịn ăn, xưng tội và tập trung cầu nguyện, khiến mức độ cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của quân đội Israel giảm xuống mức thấp nhất.
Ai Cập và Syria khi đó mở chiến dịch vào Israel nhằm giành lại vùng lãnh thổ rơi vào tay Tel Aviv trong cuộc chiến năm 1967. Israel chiến thắng nhưng trả giá bằng thương vong nặng nề. Syria và Ai Cập không thực hiện được các mục tiêu chiến dịch.
Trái ngược với thành công ở mặt trận miền bắc, bà Valensi, nhà nghiên cứu tại INSS, thừa nhận Israel đã sơ suất ở mặt trận miền nam với Hamas, dẫn đến bị bất ngờ khi nhóm vũ trang này tập kích qua biên giới hồi tháng 10/2023 gây thương vong lớn.
Avner Golov, cựu cố vấn cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, nói sự tương phản này là vì các cơ quan an ninh Israel công tốt hơn thủ. "Cốt lõi học thuyết an ninh của Israel là mang chiến tranh đến kẻ địch", theo Golov. "Với Gaza, tình hình hoàn toàn khác. Chúng tôi bị bất ngờ, nên đó là một thất bại".
Uzi Shaya, cựu quan chức tình báo Israel, cho biết thu thập thông tin tình báo ở Gaza trở nên khó hơn sau khi IDF rút khỏi dải đất năm 2005. Trong khi đó, tiếp cận một người ở Lebanon hoặc ngoài nước này có liên hệ với Hezbollah dễ hơn.
Tư lệnh IDF ngày 25/9 tuyên bố chiến dịch không kích Lebanon nhằm làm suy yếu Hezbollah và chuẩn bị kịch bản tiến quân vào nước này. Bà Valensi cảnh báo những thành công gần đây có thể khiến Israel tự tin thái quá. Đưa quân qua biên giới sẽ tạo cơ hội để Hezbollah tận dụng lợi thế trên bộ của nhóm.
Trái với Gaza, địa hình ở Lebanon nhiều đồi núi. Ngoài ra, Hezbollah sở hữu kho vũ khí lớn sẵn sàng cho chiến tranh. "Chúng ta đã thấy mọi thứ khó khăn thế nào trong nỗ lực xóa bỏ một tổ chức như Hamas", bà nói. "Hezbollah còn là vấn đề khó nhằn hơn nhiều".
Như Tâm (Theo WSJ, Breaking Defense)