Tại khu chờ dành cho người nhà phạm nhân được đặc xá tại trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) hôm 1/12, anh Vươn (40 tuổi, ở Phú Thọ) vẻ mặt hiền lành, dáng nhỏ thó lam lũ trong chiếc áo khoác bạc màu ngồi so vai đã không cầm được xúc động khi có người hỏi tại sao lại có mặt ở nơi chẳng ai muốn đến này.
Anh kể, cách đây một tháng, qua câu chuyện với người bà con anh vô tình biết tin cô vợ ly thân đã lâu bị đi tù do môi giới mại dâm. Xin nghỉ việc vài ngày, anh đi tìm vợ dù thông tin ban đầu chưa chính xác. Lần đến vài trại giam, cuối cùng anh đã gặp vợ ở trại Thanh Xuân này.
"Thấy tôi, cô ấy vô cùng ngạc nhiên sau 18 năm không gặp. Hai người chỉ biết ôm nhau mà khóc. Cô ấy vẻ ngoài lạnh lùng nhưng tôi biết đã mong ngóng tôi vào thăm đã lâu”, anh kể về giây phút đoàn tụ vợ chồng.
Cũng ngày hôm đó, anh nhận tin vợ có tên trong danh sách đề nghị được đặc xá. Từ đây, anh đã không thể chuyên tâm làm được việc gì, chỉ mong tin vợ được xét duyệt để tới đón về nhà.
Anh kể hai người kết hôn ở tuổi 18. Dù nghèo khó nhưng cuộc sống khá đầm ấm. Một lần vợ hút thuốc lào do bất cẩn làm cháy mái nhà tranh, xót của anh trách mắng vợ và từ đây chuyện bé cứ xé ra to... Người vợ giận dỗi bỏ lên Hà Nội làm thuê, để lại cậu con 3 tuổi và đứa con gái mới 3 tháng tuổi.
Anh nhiều lần xuống tận quán cà phê ôm chỗ vợ làm năn nỉ mời về nhưng đành bất lực. Nghĩ đến hai con, anh tự nhủ phải cố gắng làm việc nhiều hơn để thoát nghèo. Được người chị gái trông giúp con, anh ra Phú Quốc làm công nhân xếp đá và giờ chuyển về Hải Phòng cho gần nhà.
“Thương con, nhớ vợ nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Mỗi tháng làm thuê được hơn 5 triệu đồng, dù ít nhưng vẫn hơn ở nhà không kiếm ra tiền”, anh buồn buồn kể.
Lặng người nghe câu chuyện của đời anh, mấy người phụ nữ ngồi bên cạnh khẽ hỏi: "Sao không đi bước nữa trong suốt 18 năm qua, phụ nữ tốt thiếu gì". Anh cười, đáp: “Con còn nhỏ, cháu cũng mải miết làm thuê nên cũng chẳng dám nghĩ đến ai…”.
Hướng mắt về phía hội trường nơi các phạm nhân được đặc xá đang làm thủ tục, anh bảo ít phút nữa khi vợ ra trại sẽ thuyết phục quay về đoàn tụ với ba bố con, cả nhà làm lại từ đầu. “Trước tiên, tôi sẽ đưa vợ tới chỗ tôi làm, rồi xin nghỉ một tháng chở về quê thăm bà con họ hàng. Đợi cô ấy vơi tâm lý mặc cảm, tôi sẽ cố xin cho việc gì đó ở Hải Phòng để vợ chồng được gần nhau".
Anh khoe con trai lớn năm nay 21 tuổi, đã có việc làm ở Hà Nội; con gái cũng trưởng thành. “Tôi tuy nghèo so với xã hội nhưng ở làng ở xóm, tôi vẫn lo được đủ miếng ăn, không đến nỗi nào”, anh cười rạng rỡ rồi bỗng ngừng lời, mắt bừng sáng khi thấy bóng một phụ nữ đi ra. Vẫy tay hân hoan, anh gọi tên vợ với giọng trìu mến, nói "anh ở đây”.
Người vợ thấy chồng lúc đầu còn cúi mặt lảng đi nhưng anh đã chạy đến quàng vai, giằng cầm giúp chiếc túi. Nhìn vợ buộc lại mái tóc để đội mũ bảo hiểm, anh cười rạng rỡ rồi quay đi cài lại hàng khuy áo khoác đã gần hỏng luôn chực chờ bung ra. Vẫy tay chào người xung quanh, anh lái xe máy hòa vào dòng người trên con đường gập ghềnh, đầy bụi nhưng thênh thang trước mặt.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Bảo Hà
>>Người mẹ 10 năm giấu con chuyện ở tù
>> Ngày đoàn tụ của phạm nhân được đặc xá