1. Nếu bạn nghĩ con bị sốt, hãy hôn lên trán bé thay vì lấy tay sờ. Với cách này, bạn sẽ ngay lập tức biết con có thực sự sốt hay không.
2. Hãy cho bé cả quả trứng luộc còn nguyên vỏ. Cảm giác thật thú vị khi cầm một quả trứng, bé thường thích thú khi tự đập rồi bóc dần vỏ quả trứng và có thể ăn hết cả quả. Thay vì làm vậy, nếu bạn bóc vỏ, cắt trứng thành từng miếng nhỏ, bé có thể chỉ ăn vài miếng và thấy chán.
3. Nếu đang đi dạo mà bé mới chập chững biết đi bỗng mè nheo, đòi bế, bạn có thể cùng con thử các kiểu đi bộ khác để làm bé hứng thú: Bước mốt hai mốt, đi lạch bạch như chim cánh cụt, bật nhảy như con ếch...
4. Nên cân nhắc việc mời số khách đến dự tiệc sinh nhật bằng số tuổi của con (để không làm bé cảm thấy choáng ngợp và át cả con). Vì vậy, nếu con bạn mới lên một, chỉ mời một bạn nhỏ. Nếu con lên 4, hãy mời 4 người bạn của bé.
5. Nếu bạn muốn dành cho bản thân 20 phút để chăm sóc cơ thể trong phòng tắm mà không có ai trông bé giúp? Đặt con ngồi lên một chiếc ghế nhỏ bên cạnh, đưa cho con vài chiếc cốc nhựa và mở vòi nước.
6. Trẻ có thể giúp các việc vặt trong nhà rất tốt và bé thích làm những việc đó. Hãy giao cho trẻ các việc nhỏ như: bóc vỏ hạt, mang quần áo ra giỏ đồ bẩn, ghép các đôi tất. Nếu bạn không có việc thực sự nào cho con, hãy tự chế ra một việc mà cảm giác rất quan trọng. Chẳng hạn "Mẹ cần lấy tất cả số hạt đậu từ túi này ra và cho vào bát". Điều này sẽ tạo cho bé bận rộn mà không luẩn quẩn khi bạn phải nấu bữa tối hay gấp quần áo.
7. Học cách vẽ vài loài động vật đơn giản. Trẻ nào cũng sẽ có lần muốn mẹ "trổ tài hội họa" và bạn có thể khiến trẻ có thêm trò tiêu khiển khi di chuyển trên ôtô, máy bay hay khiến bé cảm thấy "bố/mẹ giỏi quá".
8. Đọc một câu chuyện ngay tại bàn sau khi con ăn xong nếu bạn muốn con ngồi lại lâu hơn thay vì chạy nhảy và vận động mạnh lúc vừa ăn no.
9. Khi đưa con đến sân chơi, hãy mang ít nhất hai món đồ chơi nhỏ - để giúp bé kết bạn. Hầu hết các em bé dưới 2 tuổi đều chơi bên cạnh trẻ khác trước khi biết chơi cùng bạn.
10. Luôn nhớ là bạn có thể nhờ các bà mẹ khác giúp khi bạn cần, chẳng hạn, cho con đi chơi mà quên kem chống nắng vào ngày nắng nhất hay vô ý không mang giấy ướt mà cần thay bỉm cho con... Điều quan trọng là thái độ lịch sự, nhã nhặn. Làm mẹ là sự chia sẻ.
11. Nếu con bị ngã, hãy hỏi bé "Con bị đau hay con sợ" (thường bé sẽ nói con sợ), sau đó thêm thắt một câu chuyện về bạn (hay bố bé, anh, bác...) bị ngã lúc còn nhỏ. Những câu chuyện này sẽ là các mẩu chuyện được các bé yêu thích nhất.
12. Nếu bạn muốn con tập trung ở bàn ăn hay bất cứ chỗ nào khác, hãy bắt đầu câu với cụm từ "Mẹ đã kể cho con nghe chuyện về... chưa nhỉ?".
13. Để tránh cuộc chiến với trẻ khi mặc đồ lúc ra khỏi nhà, thay vì nói "Mặc áo vào nào", hãy nói "Đưa tay con ra" và mặc áo thật nhanh cho con.
14. Tạo ra một tuần một lần "Ngày bánh ngọt" hay "Ngày kẹo ngon", thay vì luôn phải nói "Không, hôm nay con không được ăn kẹo", bạn chỉ cần nói "Chúng ta sẽ được ăn kẹo vào ngày thứ 4 mà" và đó sẽ là ngày đặc biệt. Trẻ sẽ rất hứng thú đợi ngày này và không mè nheo đòi vào những ngày khác.
15. Đừng để ý đến những lời chỉ trích của mẹ chồng về cách bạn dạy con.
16. Có mặt bên con là một phần quan trọng khi làm cha mẹ nhưng đó không chỉ là sự hiện diện của thể chất mà cả tâm trí nữa. Khi bạn đi làm về, nếu có thể, đừng đụng tới điện thoại trong khoảng thời gian nhất định khi mới về (10 phút, một tiếng... tùy bạn). Cho dù bạn có mệt mỏi thế nào vì công việc hay chuyện gì khác, hãy dẹp qua một bên và dành thời gian chất lượng cho con, trước khi bước vào bữa tối hay giờ làm bài tập hoặc lúc đi ngủ.
17. Mỗi lần đi siêu thị cùng hai con, hãy bảo "Mỗi con được lựa hai loại rau" và để trẻ tự ý chọn. Khi về nhà, bạn sẽ có nhiều loại rau khác nhau và khi ăn, mỗi trẻ sẽ thích thú nói "Đây là món rau con chọn đấy", đó là một cách hay để trẻ thử những điều mới.
18. Luôn nói cho con biết trước sẽ đi đâu và làm gì khi ra ngoài. Nhiều bố mẹ thường tự làm theo kế hoạch của mình và không giải thích gì cho bé. Khi bạn giải thích trước, mọi việc sẽ rất khác biệt. Bé sẽ cảm thấy mình như một phần "kế hoạch gia đình" và chuẩn bị trước tâm lý. Chẳng hạn, bạn nói: "Hôm nay, nhà mình sẽ đến một bữa tiệc mà ở đó có rất nhiều em bé còn nhỏ hơn con và con có lẽ cần phải kiên nhẫn với các em một chút" thì con sẽ bớt cáu kỉnh hay khó chịu khi luôn bị làm phiền hay cần phải nhường nhịn em bé.
Vương Linh (Theo Cupofjo)