Sau khi công bố mức thuế mới đối với 180 đối tác toàn cầu ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt những lời chỉ trích và áp lực từ nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa, giám đốc doanh nghiệp và thậm chí cả những cố vấn thân cận như Elon Musk, khi thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo dữ dội.
"Họ đang tức giận. Họ có một chút tức giận và cả sợ hãi", ông Trump nói về những lời chỉ trích ngày càng bủa vây Nhà Trắng trong tuần qua. Vào thời điểm đó, ông Trump vẫn tỏ ra cương quyết với đòn thuế của mình. "Chính sách của tôi sẽ không thay đổi", Tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Truth Social cuối tuần trước.
Phát biểu tại Phòng Đông của Nhà Trắng, ngày 8/4, Tổng thống Trump nhấn mạnh với các nhà lập pháp, thành viên nội các và lãnh đạo các ngành công nghiệp rằng chính sách thuế quan của ông đang phát huy hiệu quả. Ông gọi chính sách thuế nhập khẩu đối ứng là yếu tố "bùng nổ" trong chiến lược kinh tế của mình, đang giúp Mỹ thu về hai tỷ USD mỗi ngày.
Đêm 8/4, ông Trump theo dõi chương trình bình luận buổi tối trên đài Fox News của Sean Hannity, với sự tham gia của một số thượng nghị sĩ Cộng hòa. Sau khi chương trình kết thúc, ông Trump gọi điện cho nhóm thượng nghị sĩ hơn một giờ, trong đó một số người bày tỏ lo ngại về đòn thuế quan mới.
Tối hôm đó, ông Trump cũng theo dõi những biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ, vốn thường là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Một đợt bán tháo mạnh trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cho thấy hệ quả kinh tế từ chiến lược của Tổng thống có thể thảm khốc hơn so với những gì các cố vấn của ông đã dự đoán trước đó.
Người Mỹ bắt đầu ngày 9/4 với mức thuế quan cao nhất đối với hàng hóa nước ngoài trong một thế kỷ, khi thuế đối ứng mà ông Trump áp với các nước bắt đầu có hiệu lực từ 0h. Trung Quốc là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất lên tới 84%, nâng tổng mức thuế mà hàng hóa nước này phải chịu trong nhiệm kỳ hai của ông Trump lên 104%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khuôn viên Nhà Trắng ngày 9/4. Ảnh: WP
Sáng hôm đó, ông Trump gặp lãnh đạo phe đa số Thượng viện John Thune, thành viên đảng Cộng hòa, tại Nhà Trắng và điện đàm với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter. Thụy Sĩ chịu mức thuế 31% với mặt hàng đồng hồ Rolex và chocolate theo chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Trong cuộc gọi kéo dài 25 phút, bà Keller-Sutter nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp Thụy Sĩ về tạo việc làm ở Mỹ và lưu ý rằng đất nước của bà năm ngoái bãi bỏ thuế quan với hàng công nghiệp nhập khẩu từ Mỹ, theo phát ngôn viên Bộ Tài chính Thụy Sĩ.
Ông chủ Nhà Trắng cũng theo dõi cuộc phỏng vấn trên Fox News của Jamie Dimon, giám đốc điều hành tập đoàn tài chính JPMorgan Chase lúc 8h sáng. Trong cuộc phỏng vấn, ông Dimon cảnh báo tình trạng kinh tế bất ổn có thể dẫn tới suy thoái, giải thích rằng những người trò chuyện với ông đều cho biết họ đang phải "cắt giảm".
"Quan điểm của tôi là bình tĩnh, nhưng tôi nghĩ tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không đạt được tiến triển nào", ông Dimon nói, thêm rằng thị trường không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực tế nhưng "đôi khi chúng đúng".
Đó là lúc ông Trump đăng bài trên mạng xã hội Truth Social, kêu gọi người Mỹ bình tĩnh. "Mọi thứ sẽ ổn thôi. Mỹ sẽ lớn mạnh và tốt đẹp hơn bao giờ hết", ông viết. Vài phút sau, ông tiếp tục đăng "đây là thời điểm tuyệt vời để mua vào".
Trong lúc đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick trả lời cuộc điện thoại từ quan chức thương mại hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic. EU thông báo bắt đầu áp thuế 25% với hàng loạt sản phẩm nhập khẩu Mỹ từ ngày 15/4.
Bên trong Nhà Trắng, các cuộc điện thoại từ giám đốc doanh nghiệp, thành viên đảng Cộng hòa và đồng minh của ông Trump đổ về, thúc giục Tổng thống xem xét lại thuế quan. Các giám đốc doanh nghiệp cũng liên lạc với Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, Phó tổng thống JD Vance và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, khi những người có quan điểm cứng rắn về thương mại tiếp tục ủng hộ đòn thuế trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, giữa lúc thị trường tiếp tục rơi vào hỗn loạn.
Các nguồn tin cho hay bà Wiles đã thuyết phục thành công ông Trump rằng sự sụp đổ của thị trường sẽ khiến ông mất đi nguồn ủng hộ chính trị đáng kể, điều rất cần cho những mục tiêu chương trình nghị sự tương lai.
Trong bài đăng trên mạng xã hội sau đó, ông Trump thừa nhận "thị trường trái phiếu rất phức tạp và tôi đã theo dõi nó. Thị trường hiện tại tốt nhưng đúng là tôi đã thấy mọi người có chút lo lắng vào đêm qua".
Đến trưa 9/4, khoảng 18 giờ sau tuyên bố không thay đổi chính sách thuế, ông Trump triệu tập Bộ trưởng Lutnick và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tới Phòng Bầu dục để thảo luận về kế hoạch đảo ngược đòn thuế, điều khiến ngay cả một số thành viên trong nhóm thân cận cũng phải bất ngờ.
Peter Navarro, cố vấn thương mại lâu năm của ông Trump và được xem là kiến trúc sư của đòn thuế, đã không tham gia cuộc họp. Giới quan sát cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy lập trường thúc đẩy thuế quan mạnh mẽ của ông Navarro đang bị bỏ qua. Ông Bessent và Navarro được cho là có quan điểm đối lập trong các cuộc thảo luận về thuế quan, dù các cố vấn của ông Trump nhiều lần nói rằng họ đồng thuận với nhau trong các quyết định của Tổng thống.
Khoảng nửa ngày sau khi thuế đối ứng có hiệu lực và 6 giờ sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế 84% với hàng hóa Mỹ, ông Trump thông báo hoãn tăng thuế đối ứng trong 90 ngày với hầu hết quốc gia, giữ nguyên mức thuế chung 10%. Tuy nhiên, ông thông báo nâng mức thuế với Trung Quốc lên 125% ngay lập tức, bởi "sự thiếu tôn trọng của nước này với thị trường toàn cầu".

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (phải) trả lời phóng viên bên ngoài Cánh Tây Nhà Trắng ngày 9/4. Ảnh: AP
Hơn một giờ sau thông báo hoãn áp thuế, ông Trump xuất hiện tại Bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng để nói về quyết định này. "Mọi chuyện chưa kết thúc, nhưng chúng ta đã thấy được tinh thần hợp tác từ các nước", ông nói, thêm rằng "chúng ta sẽ có điều mà không ai có thể mơ tới".
Sau thông báo của ông Trump, các cố vấn và trợ lý Nhà Trắng cũng chạy đua để tuyên bố rằng đó là chiến lược của chính quyền ngay từ đầu.
"Chiến lược bậc thầy, chính sách táo bạo và kế hoạch tuyệt vời của Tổng thống Trump đã mang lại hiệu quả để cải cách thương mại quốc tế vốn bị phá vỡ", Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Stephen Miller viết trên X, nhấn mạnh Tổng thống đạt được kết quả chỉ "trong vài ngày".
Bộ trưởng Bessent khẳng định tình trạng hỗn loạn trên thị trường không phải nguyên nhân khiến Washington thay đổi kế hoạch thuế quan, mà đây là chiến lược từ đầu của ông Trump.
"Điều này xuất phát từ chiến lược của Tổng thống. Tôi và ông ấy đã có cuộc thảo luận dài vào ngày 6/4 và đây vốn dĩ là chiến lược ngay từ đầu của ông ấy", ông Bessent cho biết.
Nhưng ông Trump sau đó lại thừa nhận rằng ông luôn theo dõi sát sao diễn biến thị trường, cho rằng những gì xảy ra với thị trường vài ngày qua là "đáng buồn". "Nhưng bạn phải linh hoạt", ông nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 9/4, khi một người hỏi ông về độ tin cậy của quyết định áp thuế. "Khi nhìn vào thị trường tài chính, chúng thay đổi và bạn cũng thay đổi theo".
Thùy Lâm (Theo Washington Post, CNN)