- Bản tin thị trường lao động cho thấy, số lao động qua đào tạo lại thất nghiệp khá cao, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Ảnh: T.H. |
- Báo cáo cho thấy thị trường lao động có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên một chút nhưng không nhiều lắm, chứng tỏ gần 98% lực lượng lao động đang có việc làm. Những chỉ tiêu về thất nghiệp trên mới đánh giá được một phần mà chưa phải là bức tranh toàn diện về thị trường lao động hiện nay.
Nhìn vào mặt tỷ lệ thất nghiệp theo khu vực chuyên môn thì số lao động tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề là hai nhóm cao nhất, tương ứng với 7,2% và 6,69%. Hiện nay có 178.000 người tốt nghiệp đại học, sau đại học thất nghiệp. Nhưng nếu tính ra tỷ lệ, con số này chỉ gần 4%.
- Ông lý giải thế nào về trình trạng này?
- Đào tạo đại học, trên đại học có lịch sử hơn 60 năm. Số người có trình độ đại học, sau đại học hiện nay cao hơn rất nhiều so với số có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề. Vì có lịch sử lâu dài nên hầu hết người được đào tạo trước đây hiện nay vẫn có việc làm. Số thất nghiệp chủ yếu rơi vào lực lượng mới tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, gia nhập thị trường lao động một cách khó khăn.
Số người tốt nghiệp cao đẳng nghề có tỷ lệ thất nghiệp khá cao, chiếm 6,69% chỉ đứng sau cao đẳng chuyên nghiệp. Nhưng lịch sử đào tạo nghề còn non trẻ, trước đây chúng ta chỉ có trung cấp nghề. Với lịch sử đào tạo ngắn, số lượng đào tạo chưa nhiều, hầu hết mới gia nhập thị trường lao động thì tỷ lệ thất nghiệp như trên vẫn được cho là lạc quan. Chúng ta kỳ vọng những người tốt nghiệp trường nghề, trường cao đẳng ra đều làm việc đầy đủ với tất cả khả năng như người tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp có lẽ chưa hợp lý lắm.
Nhưng với quy mô đào tạo đại học, sau đại học như hiện nay, mỗi năm có hơn 400.000 người tốt nghiệp thì con số gần 178.000 người tốt nghiệp đại học, sau đại học thất nghiệp cũng rất đáng suy nghĩ.
- Ông đánh giá thế nào khi cả tỷ lệ thất nghiệp cũng như tỷ lệ thiếu việc làm đều gia tăng?
- Nếu chúng ta quan tâm về mặt lượng của thị trường lao động thì cần ít nhất 2 chỉ số, gồm thất nghiệp và số giờ sử dụng thời gian lao động. Nếu tỷ lệ thất nghiệp thấp mà tỷ lệ sử dụng thời gian lao động cũng thấp thì nguồn nhân lực của đất nước chưa được sử dụng khá cao. Nếu tỷ lệ thất nghiệp cao một chút, nhưng hầu hết người lao động sử dụng thời gian lao động thì điều đó chứng tỏ chúng ta khai thác khá cao nguồn lực lao động của đất nước.
Bảng tỷ lệ thất nghiệp phân theo trình độ chuyên môn (Đơn vị: Nghìn người).
Khu vực | Quý I/2014 | Quý II/2015 |
Không có bằng cấp chứng chỉ | 629,8 | 726,1 |
Sơ cấp nghề | 38,5 | 38,3 |
Trung cấp nghề | 36,9 | 26,1 |
Trung học chuyên nghiệp | 81,0 | 75,0 |
Cao đẳng nghề | 17,9 | 16,0 |
Cao đẳng | 79,1 | 100,6 |
Đại học, sau đại học | 162,4 | 177,7 |
- Theo ông, tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng nghề, đại học khá cao, vậy, có nên cắt giảm chỉ tiêu đào tạo để đỡ tốn kém cho đất nước?
- Khi nhìn nhận thị trường lao động, phải đánh giá đào tạo làm sao phù hợp nhu cầu thị trường, cơ cấu vùng miền. Thị trường cần lao động kỹ thuật thì đào tạo kỹ thuật chứ không thể đào tạo những ngành chuyên về lý thuyết. Chúng ta vẫn nói làm sao để nắm bắt được tín hiệu của thị trường để đổi mới đào tạo, nhưng mà dường như việc nắm bắt tín hiệu này chưa được chú trọng nhiều lắm.
Nói rằng đào tạo thừa và cần giảm quy mô cho đỡ tốn kém thì đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Cần có những đánh giá kỹ hơn về nhu cầu của từng vùng miền, của doanh nghiệp để đưa ra kế hoạch đào tạo cụ thể, tránh lãng phí.
Chúng tôi cho rằng, bản tin thị trường lao động đã cập nhật phần nào để làm thay đổi nhận thức của xã hội, của những gia đình mong muốn con em vào đại học. Một số thay vì chọn đại học đã chọn đi học nghề để có một công việc phù hợp sau khi học xong. Đây là chuyển biến tích cực trong nhận thức.
Tình trạng thất nghiệp cũng đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Lao động, Bộ Giáo dục cần có sự thay đổi, đổi mới trong công tác giáo dục, đào tạo. Làm sao xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp theo nhu cầu của thị trường, chứ không đào tạo tràn lan như hiện nay, với kỳ vọng mỗi học sinh, sinh viên khi bước chân ra khỏi trường đại học, trường nghề đều có thể tự tìm được việc làm, tự đứng trên đôi chân của mình.
Thanh Hòa ghi