Những viên đá nằm ngổn ngang trên đường phố Hạ Long sau cơn lốc và mưa đá. Ảnh: TTXVN. |
Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là nơi chịu thiệt hại nhiều nhất. Chỉ trong 20 phút sáng qua, cơn lốc với sức gió giật tới cấp 10 đã làm 13 người chết, 4 người đến sáng nay vẫn chưa tìm thấy xác. Từ người dân thường đến cả ông Chu Văn Ninh mấy chục năm theo dõi thiên tai của tỉnh, rồi Bí thư tỉnh Nguyễn Văn Quynh đều sửng sốt khi lốc, mưa đá xảy ra vào cuối tháng 11, thời điểm bước vào vụ chính đông.
Tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, 2 trận mưa đá và lốc xoáy trong 19-20/11 đã giật tung 149 mái nhà. 1 cháu bé 12 tuổi bị tường rào đổ đè chết, 1 người đi chăn bò bị sét đánh. Hơn 2.300 ha màu và 52 tấn mạ chiêm bị hỏng. Lưới điện bị gián đoạn trong nhiều giờ do 1 cột điện cao thế và 38 cột điện hạ thế đổ nghiêng ngả. 42 tấn chè khô của Công ty chè Tân Phong trở thành phế thải.
Bà Bùi Thị Đảng, trực ban Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, kể: "50 năm qua, chưa bao giờ tôi thấy mưa đá dày đặc, rải như ngô xuống đất. Cơn mưa rất bất thường vì Phú Thọ hay có mưa đá, nhưng thường chỉ tập trung vào tháng 3-4". Bà Đảng tỏ ra tiếc rẻ vì vườn su su, rau bí của gia đình vốn đang xanh mơn mởn, sau trận mưa thì nát bươm, chỉ còn mỗi cuống. Giá rau ở Việt Trì vì thế đang đắt gấp 2-3 lần so với bình thường.
Tại Hà Tây, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đỗ Đức Thịnh, người đang có mặt ở huyện Đan Phượng kiểm tra thiệt hại sau lốc, mưa đá chiều 20/11, thảng thốt nói: "Sức tàn phá của mưa đá và lốc xoáy thật khủng khiếp. Tất cả nhà mái ngói của 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, nhẹ thì thủng lỗ chỗ, nặng thì bị giật tung toàn bộ. Bưởi cam rụng sạch. Thân cây bị đá bắn tróc hết vỏ. Một thanh niên đã chết vì cột điện đổ đè vào người".
Dọc hai bên đường 32, tất cả trang trại trở về vạch xuất phát bởi chẳng cây gì trụ được sau gió lốc và mưa đá. 14.000 m2 nhà xưởng của nhà máy gạch Thạch Bàn bị gió đánh bay. Nhiều trường học phải đóng cửa từ 20/11 và đến hôm nay chưa khắc phục xong. "Theo chủ tịch xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, viên đá to bằng cái rổ rơi xuống thì nhà nào chịu thấu. Trong 100 tỷ đồng thiệt hại sau thiên tai, Đan Phượng chịu nhiều nhất, hơn 40 tỷ", ông Thịnh thông báo.
Trái với cảnh báo của cơ quan khí tượng, chiều qua tại Hải Dương đã có mưa đá. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Đông nhận xét: "35 năm công tác ở tỉnh, chưa bao giờ tôi thấy mưa đá rơi dày đặc, viên to tới 7-8 cm như vậy". Từ trung tâm thành phố Hải Dương, trong bán kính 10 km, trận mưa đá kéo dài 20 phút đã phá hỏng một số nhà dân và vùi dập hoa màu.
Cũng chiều qua, Bắc Giang đón cơn mưa đá thứ hai trong vòng 3 ngày. Mưa kéo dài khoảng nửa giờ, song mật độ đá và kích cỡ chỉ bằng đầu ngón tay nên không gây ra thiệt hại lớn. Trước đó, 14 chiều 19/11, địa bàn huyện Lục Nam đã có mưa đá và lốc xoáy, làm 1 người chết, giập nát hàng nghìn ha lúa và hoa màu. Thiệt hại vật chất ước tính 10 tỷ đồng.
Theo Văn phòng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, đến nay có tất cả 12 tỉnh thành bị lốc và mưa đá hoành hành, bao gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Bắc Giang. Ước thiệt hại về tài sản 342 tỷ đồng. Trong đó Quảng Ninh 160 tỷ đồng, Hà Tây 100 tỷ và Vĩnh Phúc 74 tỷ.
Nhiệt độ tháng 10 của Hà Nội cao kỷ lục trong 80 năm qua
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hai tháng qua, không khí lạnh hoạt động tương đối yếu và hầu như không gây ra những ảnh hưởng rõ rệt đến thời tiết Việt Nam. Nền nhiệt độ trong 2 tháng qua đều cao hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm. Đặc biệt, nền nhiệt độ trung bình tháng 10 tại Hà Nội là 27,4 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm 2,8 độ C, là mức cao lịch sử trong 80 năm qua tại Hà Nội. 20 ngày đầu tháng 11, nền nhiệt độ đang ở mức rất cao tại một số địa phương có khả năng sẽ đạt mức cao lịch sử.
Tổng lượng mưa tháng 10 và 20 ngày đầu tháng 11 đều thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm. Cụ thể ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lượng mưa thiếu 50-80 %, các khu vực khác 30-60%. Thậm chí một số nơi cả tháng 10 hầu như không mưa như: Phủ Liễn (Hải Phòng) chỉ đạt 0,3 mm (mưa tháng 10 ít nhất của Phủ Liễn trong chuỗi số liệu lịch sử 50 năm), Cao Bằng hụt 93%, Hưng Yên và Văn Lý hụt 90%, Quỳnh Nhai và Hải Dương hụt 86%.
Cơ quan này nhận định, nền nhiệt độ trong các tháng tới vẫn có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa có khả năng ở mức thấp hơn so với nhiều năm, ít có khả năng xảy ra mưa trái vụ. Cơ quan này khuyến cáo, do ảnh hưởng của El-Nino, trong vụ đông xuân 2006-2007, các địa phương cần đề phòng tình trạng thiếu nước, khô hạn trên diện rộng; tình trạng mặn xâm nhập sâu ở vùng cửa sông. Vùng núi cần đề phòng cháy rừng.
Điều kiện khô hạn, nhiệt độ bề mặt đệm cao cũng dễ làm nảy sinh nhiều hiện tượng thời tiết bất thường. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó phòng dự báo hạn ngắn, đây là điều kiện để hình thành những dòng thăng hút không khí nóng ẩm từ mặt đất lên cao. Nếu những dòng thăng này gặp phải không khí lạnh trên cao thì rất dễ xảy ra các hiện tượng mưa đá, dông, tố, lốc như trong 3 ngày qua.
Hồng Khánh