"Chúng tôi viết thư này kêu gọi ngài Ngoại trưởng chấm dứt lệnh đình chỉ hỗ trợ nước ngoài trong 90 ngày vốn đã khiến các chương trình rà phá bom mìn do Mỹ tài trợ bị ngừng lại", 17 cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam, Lào, Campuchia tuần trước viết thư ngỏ gửi Ngoại trưởng Marco Rubio và Nhà Trắng.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/1 ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ hầu hết viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, ngoại trừ hỗ trợ lương thực khẩn cấp và viện trợ quân sự cho Israel, Ai Cập.
Ngoại trưởng Rubio sau đó gửi bản ghi nhớ cho các nhân viên dưới quyền, khẳng định "sẽ không có thêm khoản tiền nào được cấp cho các chương trình tài trợ mới hoặc gia hạn chương trình hiện có, cho tới khi từng đề xuất được đánh giá và chấp thuận".
Các cựu đại sứ "hoàn toàn hiểu được" tầm quan trọng của việc chính quyền mới xem xét lại các chương trình hỗ trợ nước ngoài, nhưng việc đình chỉ các chương trình viện trợ trong 90 ngày có nguy cơ khiến các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh bị chậm trễ nghiêm trọng, thậm chí biến mất hoàn toàn tại "ba quốc gia có tầm quan trọng chiến lược to lớn với Mỹ".
Bởi vậy, một lệnh miễn trừ hoặc đánh giá nhanh chóng, tích cực đối với các chương trình rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân ở các nước Việt Nam, Lào, Campuchia là rất cần thiết, các cựu đại sứ cho hay trong bức thư được đăng trên website của tổ chức Di sản Chiến tranh có trụ sở ở New York, Mỹ.
![Bom sót lại sau chiến tranh được kích nổ ở Quảng Trị, Việt Nam, năm 2022. Ảnh: Hoàng Táo](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/a-DJI-0598-1662712867-17393368-6111-7153-1739346908.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Pzg__7t25xVsnLTI9FysHQ)
Bom mìn sót lại sau chiến tranh được kích nổ ở Quảng Trị, Việt Nam, năm 2022. Ảnh: Hoàng Táo
"Các chương trình rà phá bom mìn là vì lợi ích tốt nhất của Mỹ. Chúng giúp thể hiện một cách rõ ràng sự hỗ trợ của Mỹ cho Lào, Campuchia và Việt Nam", bức thư có đoạn. "Rà phá bom mìn không chỉ cứu người, mà còn làm sạch đất để sử dụng cho nông nghiệp và xây dựng hạ tầng, thúc đẩy kinh tế và khả năng tự cung tự cấp của các nước".
"Bom mìn chưa nổ nếu không được rà phá cũng có thể đe dọa tính mạng của nhân viên, nhà thầu Mỹ ở nước sở tại", họ lập luận thêm. Các cựu đại sứ cho rằng hoạt động này không chỉ giúp hàn gắn vết thương quá khứ, mà còn thúc đẩy hòa giải, mở rộng hợp tác quốc phòng, ngoại giao với các nước.
Trong số 17 cựu đại sứ Mỹ ký tên trong thư có 5 cựu đại sứ tại Việt Nam gồm ông Ted Osius nhiệm kỳ 2014-2017, Pete Peterson (nhiệm kỳ 1997-2011), Michael Michalak (nhiệm kỳ 2007-2011), David Shear (nhiệm kỳ 2007-2011) và Raymond Burghardt (nhiệm kỳ 2001-2004).
![Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu tại Hà Nội, năm 2016. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/800-5046-6312-1739346908.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ECzJivz3TaP1TN8l1lLdJQ)
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu tại Hà Nội năm 2016. Ảnh: Giang Huy
Ngoại trưởng Rubio chưa bình luận về bức thư của 17 cựu đại sứ. Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cuối tháng trước, ông Rubio mô tả Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu của quan hệ quốc tế, bày tỏ mong muốn hai nước tăng cường hợp tác.
Trong năm 2023, các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh của Mỹ đã rà phá bom mìn hơn 19.000 hecta trên thế giới, chăm sóc y tế cho hơn 71.000 nạn nhân của bom mìn.
Theo ước tính của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia (VNMAC), Việt Nam có khoảng 800 nghìn tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Bonnie Jenkins kích nổ một số quả đạn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị, ngày 9/9/2022. Video: Hoàng Táo
VNMAC cho biết từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Từ năm 1993 đến nay, Mỹ đã cung cấp khoảng 200 triệu USD cho các chương trình tiêu hủy vũ khí truyền thống tại Việt Nam với mục đích rà phá bom mìn, giáo dục về nguy cơ bom mìn và hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia.
Hoạt động hỗ trợ của Mỹ được tiến hành thông qua các dự án cung cấp cố vấn kỹ thuật, hỗ trợ quản lý thông tin cho VNMAC, cũng như cấp ngân sách cho các tổ chức phi chính phủ và chuyển giao trang thiết bị, huấn luyện nhân lực phục vụ rà phá bom mìn.
Đức Trung