Hiệp ước quốc tế đầu tiên về quản lý khủng hoảng di cư được ký kết hôm 10/12 tại Marrakech, Morocco. 164 quốc gia Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua hiệp ước không có tính ràng buộc pháp lý sau 18 tháng tranh luận và đàm phán, theo AP.
Bản hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và có kiểm soát, nhằm phối hợp hành động giữa các quốc gia về vấn đề di cư khắp thế giới. Đây là nỗ lực của LHQ nhằm trấn áp các hoạt động di cư trái phép và nguy hiểm xuyên biên giới.
"Di cư không kiểm soát phải trả giá bằng con người: đó là mạng sống trong những chuyến hành trình xuyên sa mạc, đại dương và sông nước, mạng sống bị hủy hoại dưới tay những kẻ buôn người, những chủ lao động vô đạo đức và những kẻ hút máu người", Tổng thư ký LHQ António Guterres phát biểu.
"Hơn 6.000 người di cư đã chết trên hành trình từ năm 2000 tới nay. Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ về điều này", ông nói.
Di cư ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người trên toàn cầu. Những người bị ảnh hưởng là nông dân tự nguyện hoặc buộc phải rời bỏ đất đai do biến đổi khí hậu để lên thành phố, các gia đình chạy trốn chiến tranh hoặc đàn áp tại quê hương, người lao động nghèo từ những quốc gia đang phát triển tới nước giàu tìm việc, hay những lao động tay nghề cao ở những quốc gia phát triển tìm kiếm cơ hội khác ngoài quê nhà.
Những người bảo vệ thỏa thuận di cư cho rằng bánh xe của nền kinh tế thế giới sẽ được đẩy nhanh tốc độ bằng cách đa dạng hóa và trẻ hóa lực lượng lao động ở những quốc gia giàu có mà dân số đang lão hóa, cung cấp nguồn tiền cho các nước nghèo hơn thông qua các lao động di cư gửi về quê.
Tuy nhiên, những người phản đối lo ngại dòng người di cư sẽ làm phai mờ văn hóa đặc trưng của đất nước, mang tới đói nghèo và tội phạm, công dân có đóng thuế trong nước bị giảm tiền lương hoặc cạnh tranh công việc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối và rút khỏi thỏa thuận này một năm trước, đồng thời ra sức thuyết phục những nước khác từ bỏ hiệp ước. Mỹ chỉ trích hiệp ước là "nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy quản trị toàn cầu với cái giá là chủ quyền quốc gia".
Các nước tiếp theo rời khỏi thỏa thuận là Áo, nước đang giữ vai trò chủ tịch Liên minh châu Âu, cùng Australia, Chile, Cộng hòa Czech, Italy, Hungary, Ba Lan, Latvia, Slovakia và Cộng hòa Dominica.
6 quốc gia, trong đó có Israel và Bulgaria, đang tranh cãi về việc có hay không từ bỏ thỏa thuận, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết sau khi hiệp ước được thông qua. 30 trong số 193 quốc gia từng đồng ý ký thỏa thuận đã không tham dự hội nghị hôm qua.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi đây là "ngày quan trọng". Merkel, người đã chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn Syria và Afghanistan tới Đức, được hoan nghênh nhiệt liệt sau bài phát biểu gây xúc động hôm qua. Bà nói về việc thành lập LHQ sau Thế Chiến II và về "nỗi đau khó tin của loài người" do Đức Quốc xã gây ra. Theo Thủ tướng Đức, thỏa thuận di cư chính là "nền tảng" cho hợp tác quốc tế giữa các nước.